Nhân ngày hội Lăng Ông Lê Văn Duyệt

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam cũng có một thời gian tham gia trong ban quý tế Lăng Ông. Theo Sơn Nam thì ban quý tế Lăng Ông ra đời từ năm 1914, gọi là Hội Thượng công quý tế đặt dưới sự chi phối của hương chức làng Bình Hòa và chủ tỉnh Gia Định. Hội quý tế đã từng tập hợp được nhiều nhân sĩ tên tuổi Sài Gòn-Gia Định.

Các bức hoành phi, câu đối, bài vị trong lăng cũng như văn bia do người dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, cả người Việt lẫn người Hoa khắc ghi, được thể hiện bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi công đức, khí phách cũng như sự ngưỡng mộ đối với vị khai quốc công thần ở vùng đất Nam Bộ: Tả quân - Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Xin trích vài câu trong các bức hoành phi treo ở tiền điện thể hiện lòng tôn kính của cả người Việt, người Hoa đối với Đức ông: “Hách hách thần uy” (Uy thần hiển hách); “Ân quang phổ chiếu” (Ơn soi khắp chốn); “Thần như tâm kính” (Lòng thần như gương); “Uy trấn hạo thiên” (Uy trấn trời cao); “Uy chấn Hoa, di” (Uy chấn động đến người Hoa, người man di)… đủ thấy sự ngưỡng vọng của nhân dân Nam Bộ xưa nay đối với Đức ông Lê Văn Duyệt.

Lê Văn Duyệt là người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi và định an một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phương Nam. Ông cũng là một trong ba nhân vật lịch sử Nam Bộ được coi là “có vấn đề” trong suốt mấy chục năm qua - kể cả sau khi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam liên tiếp tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về “công và tội” của các nhân vật này từ năm 2000. Hai người kia là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Trong bài phát biểu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - bấy giờ là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương tại cuộc tọa đàm về Lê Văn Duyệt năm 2000, ông nói: “Suốt ngày hôm nay, tôi đã chú ý lắng nghe các tham luận với các chủ đề khác nhau và qua đó tôi thấy mình biết thêm nhiều điều về nhân vật này. Là một người đã tham gia hoạt động chính trị nhiều năm và có một thời gian ngắn tham gia quản lý nhà nước, qua những gì được nghe hôm nay kết hợp với những gì được đọc trước đây, tôi thấy tư duy và ứng xử của Lê Văn Duyệt có nhiều điểm ở tầm quốc sách và có những mặt khá gần gũi so với chủ trương của chúng ta trong thời kỳ đổi mới” - tríchLê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ, trang 108 - NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008.

Nhân dân Gia Định thời bấy giờ gọi Lê Văn Duyệt là Ông lớn Thượng. Họ kính trọng và kiêng sợ ông vô cùng. Ông nổi tiếng thanh liêm và nghiêm minh. Ông dám xử chém phó tổng trấn Huỳnh Công Lý, là cha vợ vua Minh Mạng, vì tội tham ô và ức hiếp dân lành. Ông vốn được vua Gia Long trao quyền tiền trảm hậu tấu. Ông biết nếu tấu trước thế nào vua Minh Mạng cũng can thiệp vì vua rất sủng ái bà phi con gái Huỳnh Công Lý. Ông cho chém đầu viên phó tổng trấn rồi ướp đầu gửi về kinh kèm bản tấu kể tội của cha vợ vua. Trước bá quan văn võ triều đình, khi khui cái tráp, thấy đầu cha vợ, Minh Mạng tức run nhưng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nói rằng tội ông ta đáng chết.

Lê Văn Duyệt mất năm 1832, thọ 69 tuổi. Năm sau, con nuôi của ông là Lê Văn Khôi khởi quân đánh chiếm gần hết toàn cõi Nam Bộ. Năm 1835, Khôi bị bệnh chết, quân tan rã. Mặc dù Khôi đã chết nhưng cũng bị quật mồ lên cắt lấy thủ cấp đem về triều. Cả Lê Văn Duyệt cũng không yên. Vua Minh Mạng giao đình thần luận tội và kết án ông phạm bảy tội chém, hai tội treo cổ, một tội đày nhưng vì ông đã chết nên mộ ông bị san bằng và dựng bia đá “quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” mang một xích sắt. Mãi đến đời Tự Đức, Lê Văn Duyệt mới được phục hồi. Nhân dân bèn chung tay góp sức lập miếu thờ ông, gọi là Miếu Ông.

Sau nhiều lần trùng tu, Miếu Ông ngày càng khang trang thành Lăng Ông. Chánh điện bề thế hiện nay là được nới rộng xây thêm năm 1973 theo đồ án của kiến trúc sư người Ấn Mohamed Hamine. Nhân ngày hội Lăng Ông Lê Văn Duyệt, xin nhắc lại một vài điều đáng nhớ về một nhân vật lịch sử đã “Hiển Thần” trong lòng nhân dân Nam Bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm