Vì sao Khá Bảnh, Phúc XO hot trên mạng?

Vì sao Khá Bảnh, Phúc XO hot trên mạng? ảnh 1

1. Nhân vật chính trong hình là Khá Bảnh, sinh năm 1993, 26 tuổi, học hết lớp 7, chuyên nghề đòi nợ thuê, đánh đấm, chưởi bới ... theo phong cách giang hồ. Anh ta từng vào ra tù vài lần. Xuất hiện trên youtube và facebook với những video clip gây sốc, hành động mà người bình thường sẽ cho là ngông cuồng, nói năng như tạt nước vào những chuẩn mực xã hội hiện có. Ấy vậy mà mỗi lần Khá Bảnh xuất hiện thì kéo theo hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.
Hiện giờ Khá Bảnh có fanpage với trên 600.000 người theo dõi, kênh youtube với gần 2 triệu lượt đăng ký - và con số này đang tăng lên từng giờ, sau mỗi một hành động lạ thường của nhân vật. Đa số fan hâm mộ anh này là bạn trẻ ở độ tuổi 2003 trở lên. Bức ảnh trên, anh ta xuất hiện như một "người hùng" giữa một nhóm học sinh đeo khăn quàng đỏ với ánh nhìn ngưỡng mộ vào thần tượng (không đóng dấu ngoặc kép) của mình. Ảnh này được cho là chụp tại Yên Bái.
2. Tại cầu Tham Lương, sát siêu thị Thiên Hòa, quận 12, Phúc XO. nổi tiếng với việc đeo 13kg vàng, sở hữu những chiếc oto và moto mạ vàng. Mỗi buổi chiều hay dịp lễ tết, đoạn đường này sẽ bị kẹt xe vì Phúc mang chiếc oto hay moto mạ vàng ra rồ máy hoặc đứng lau chùi biểu diễn cho thiên hạ quay phim, chụp hình.
Thay vì chỉ có 1 kênh Youtube, thì Phúc XO kéo theo mình hàng mấy chục hoặc cả trăm youtuber quay phim, phỏng vấn, trò chuyện. Anh ấy sẵn sàng kể về vàng, xe, về con ngựa mạ vàng đặt trước cửa quán Karaoke của anh.
Câu chuyện thể hiện một cách nói mềm dẻo, chân tình về của cải, về phong thủy, về cách làm sao để đạt được tối ưu trong sắp xếp phong thủy để ăn nên làm ra, sản nghiệp đầy đàng, vàng đeo hàng ký. Những vòng xe dừng lại, những người già, trẻ nhỏ, người có tiền, người chưa có tiền... đứng ngẩn ngơ quay phim, chụp hình, bàn tán ... như trong một tấn trò đời.
3. Mới tối hôm qua thôi, sau khi báo chí đăng thông tin về chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) làm chuyện "động trời": Dùng luật nhân quả để "hù" tín đồ và người dân: Kiếp trước gây tội lỗi nhiều, kiếp này phải trả nợ lớn - nếu không cúng chuyển nghiệp, tất mạng sẽ vong, tiền sẽ mất, gia nghiệp tiêu tan. Sau khi "hù" xong thì nhà chùa sai "vong" ra giá tiền phải cúng dường giải nghiệp. 
Trong mọi thứ chức tước của sư trụ trì chùa này có một chức quan trọng: Phó ban thông tin truyền thông của giáo hội phật giáo. Và, ông ấy đã phát huy công việc này một cách bài bản nhất: Thiết lập hàng chục fanpage, kênh youtube cùng một số các diễn giả, tạo ra những mạng lưới social hoàn hảo chỉ để làm một điều: Dùng những khái niệm không sờ mó được để nói về vong, về tiền kiếp, về ma cỏ và những hình thức trả thù, báo oán... một cách ngọt ngào, rùng rợn để làm người nghe bị dẫn dắt vào mê cung sợ hãi, tự nguyện bỏ tiền túi theo cái giá mà "vong" đưa ra, hòng mong muốn thoát kiếp nạn của mình.
Trong toàn bộ các bài giảng, họ dùng hình ảnh, những luận cứ mơ hồ thật giả, đặc biệt, dùng cả khái niệm khoa học bằng cách ngụy biện nhất để đưa người nghe về trạng thái mơ hồ sợ hãi... Sự việc bùng nổ thành một làn sóng chấn động xã hội: Báo chí đăng, cơ quan chức năng vào cuộc ... sư trụ trì thông báo sẽ có họp báo vào hôm sau. 
Dĩ nhiên, ai cấp giấy phép họp báo? Vậy là chùa tổ chức một buổi livestream "giải thích những điều báo chí nói về chùa" với hàng ngàn tín đồ, những câu hỏi đáp, những lời giải thích, những ví dụ chứng minh câu chuyện họ nói và làm đúng hoàn toàn... 
Nghĩa là, còn hơn một buổi họp báo. Nhà sư xứng danh là người làm truyền thông, khi hầu hết báo chí đăng lại nội dung ông ta nói. Nghĩa là, con người này đã lật tung những khái niệm của truyền thông truyền thống. Ông ta sử dụng sức mạnh công nghệ để phủ dụ hàng trăm ngàn tín đồ hàng tháng vẫn mang về số tiền cúng "chuyển nghiệp" khổng lồ cho ngôi chùa này!
4. Chỉ ba ví dụ nhỏ, có vẻ không liên quan nhau, nhưng thực sự có liên quan, bằng sợi dây dẫn dắt của việc "sở hữu cộng đồng". Ai sở hữu cộng đồng, người đó dẫn dắt sức mạnh đám đông. Công cụ tạo ra cộng đồng thì nền tảng công nghệ đã cung cấp miễn phí. Còn định hướng cái cộng đồng riêng của mình thì do những cá nhân, tổ chức tự định hướng theo nhu cầu và mục đích sử dụng. 
Ai tạo ra hiện tượng tụ tập đám đông quanh Khá Bảnh, Phúc XO hay sức mạnh truyền bá dữ dội sự mê tín của ngôi chùa Ba Vàng? Chắc chắn là mạng xã hội rồi. Mạng xã hội tức một phần xã hội.
Câu hỏi là: Tại sao một xã hội luôn dốc toàn sức, toàn lực để giáo dục về những điều tốt đẹp, thánh thiện, hướng tới những giá trị cao cả  ... lại nảy sinh ra những con người sẵn sàng chạy đua theo những lời nói ngông cuồng, thói khoe khoang của cải hoặc tâm lý tin tưởng ngu muội rằng những thế lực siêu nhiên có thể bóp chết chính mình - là một câu hỏi xứng đáng đặt ra!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm