Vi Quốc Hiệp: Cuộc lãng du của chàng trai Tày

Tôi biết Vi Quốc Hiệp gần 15 năm. Cứ ngỡ hễ gặp trai người Tày thì mình say trước, say bí tỷ là cầm chắc, nhưng ngồi với Hiệp trưa ấy, Hiệp chỉ thích hát thôi. Những bài hát anh viết, và những bài hát anh nhớ. Hiệp nhớ ngàn bài hát. Hiệp viết ca khúc mới tài tình làm sao. Hát về Tây nguyên nghe thác đổ và tiếng cồng chiêng. Hát về biển bỗng nghe như có sóng vỗ... Hiệp hát bài Khau Vai phổ thơ Trần Hòa Bình thật xúc động. Giai điệu dân ca Mông quyện vào lời hát:

Vi Quốc Hiệp: Cuộc lãng du của chàng trai Tày ảnh 1


Những cuộc tình vụng dại


Những cuộc tình khôn ngoan


Đã sống và đã chết ở nơi này


Không khôn ngoan không vụng dại


Chỉ lặng chìm như đá


Chỉ bời bời như mây


Chúng ta sa mộc chiều nay


Em hai mươi thoắt thành ngàn tuổi


Em có anh xa xót thế này sao?...
 

Rồi đọc thơ nữa chứ! Chao ôi, không biết trước mặt tôi, gã nghệ sĩ này phải gọi là họa sĩ, thi sĩ hay nhạc sĩ đây? Tôi ngờ rằng cái chất nghệ sĩ đến tận cùng gan ruột trong Hiệp mới là điều quan trọng, dù anh sáng tác những gì...

Đam mê cầm cọ

Hiệp học mỹ thuật Hà Nội rồi không về lại xứ Lạng mà lên Hà Giang ở với núi đá với người Mông, rồi về Thái Nguyên một dạo trước khi định đô ở tận Lâm Đồng... Chàng trai xứ núi ấy đã vẽ không biết bao nhiêu bức về núi về mây và cuộc sống trên rẻo cao. Chỉ biết hành trình của anh là một cuộc đi dài qua rất nhiều sông núi, từ Việt Bắc, Tây Bắc rồi Tây Nguyên. Bước chân đứa con của núi ấy đã đưa Vi Quốc Hiệp vào cuộc lãng du trong xứ sở của nghệ thuật bấy nhiêu năm...

Vi Quốc Hiệp: Cuộc lãng du của chàng trai Tày ảnh 2

Vi Quốc Hiệp đến với hội họa từ rất sớm, khi anh vừa tuổi thiếu niên. 15 tuổi đã được vào học Mỹ thuật Hà Nội.

Dịp nghìn năm Thăng Long Hà Nội, Vi Quốc Hiệp điện bảo tôi anh sẽ có cuộc triển lãm tranh vẽ về Đà Lạt tại Thủ đô. Vài hôm sau đã thấy tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền ăm ắp một phòng tranh vẽ toàn biệt thự giữa rừng thông. Đà Lạt đấy! Hiệp đã đưa tôi vào thế giới đầy huyền ảo của một Đà Lạt mộng mơ...

Phải thôi, anh đã có một phần đời gắn bó với thành phố mộng mơ trên cao nguyên ấy, mà cũng đã ba chục năm còn gì... Vi Quốc Hiệp kể: Đà Lạt đẹp ở bố cục không gian cảnh quan đồi dốc và thấp thoáng giữa ngàn thông là những ngôi biệt thự cổ. Người nghệ sĩ dường như bất lực đến khắc khoải trước vẻ đẹp ấy. Và Hiệp hơn một lần cầm cọ thử “bảo tồn” nét xưa của thành phố này.

Nhưng hình như Hiệp vẽ Đà Lạt không giống ai. Vì sao vậy? Vì Hiệp đi tìm một thủ pháp, hay nói cách khác là một lối vẽ riêng cho mảng tranh về Đà Lạt của mình. Cũng sơn dầu, arylic... nhưng hình như Hiệp dùng cả bàn tay để bôi màu lên toan, lên giấy nên trong tranh có dấu vân tay của Hiệp. Cái kiểu vẽ ấy chỉ có ở kẻ dám hy sinh của một nghệ sĩ yêu nghệ thuật đến mộng my mới dám làm. Và từ ấy ra đời một lối vẽ mang tên Vi Quốc Hiệp. Nhìn Đà Lạt trong tranh của Hiệp thấy màu sắc cứ như tự chảy mà thành. Không có dấu vết của bút vẽ. Chỉ có khói sương, rừng và gió. Và thấp thoáng giữa rừng thông là những ngôi biệt thự...

Đà Lạt trong tranh Vi Quốc Hiệp đa sắc, và nhiều xúc cảm, tâm trạng khác nhau. Có cảnh sắc phố núi đêm sương, giữa mùa Xuân bềnh bồng mây núi hay hoàng hôn rực vàng và Đà Lạt chiều Thu... Mỗi bức vẽ là một vẻ đẹp khác nhau, nên chỉ với những đồi thông và những ngôi biệt thự mà không nhàm chán đơn điệu chút nào. Vi Quốc Hiệp đã làm được một cái việc lớn hơn sáng tạo đó là anh góp phần giữ lại nét đẹp của Đà Lạt cổ trong tranh. Anh sợ thời gian và sự tàn nhẫn của chính con người sẽ làm cho Đà Lạt phôi phai chăng? Nhưng anh không chỉ mô tả Đà Lạt bằng thông và biệt thự. Anh vẽ nó với một cảm hứng sáng tạo trong sự thăng hoa của tình yêu cuộc sống...

Hiệp nổi tiếng không chỉ có mảng vẽ miền núi, vẽ Đà Lạt mà còn ở mảng chân dung người đẹp và hoa. Đời người giỏi lắm chỉ vẽ đẹp một thứ thôi. Thế mà Hiệp vẽ tất. Ngồi ở đâu hình như anh cũng có mẫu vẽ. Toàn đàn bà đẹp nhờ Hiệp ký họa. Ai cũng muốn giữ lại nét và hình cho mai sau. Và Vi Quốc Hiệp khéo “nịnh” nên lắm cô mê tranh Hiệp. Bằng chứng là triển lãm khép lại rồi, vé máy bay Đà Lạt mua rồi mà  Hiệp vẫn còn ngồi góc phố ký họa cho khách. Mấy nét phấn màu loằng ngoằng đã thấy nét duyên phảng phất. Ai chả thích. Những chân dung thiếu nữ vẽ bằng chất liệu phấn màu là tấm lòng của Vi Quốc Hiệp với phái đẹp. Đời người hoạ sĩ, vẽ ký hoạ chân dung cho người đẹp cũng là một đặc ân không phải ai cũng làm được và chỉ bấy nhiêu cũng đã là một hạnh phúc.

Rồi còn thơ và nhạc

Gã trai Tày lãng du qua cuộc đời. Đam mê nghệ thuật đến thật thà tội nghiệp. Gã hình như không yên ổn khi cảm xúc trào lên và chính vì thế Hiệp dụng hết cái tài hoa để ngợi ca cái đẹp của quê hương đất nước. Viết nhạc và làm thơ cũng là một cách giãi bày tâm tình trước cuộc đời. Nào Hiệp có muốn cầu cạnh hay mong nổi tiếng gì. Đơn giản là muốn giải tỏa cảm xúc của mình và dâng tặng đời những chắt chiu nghệ thuật. Thơ Hiệp nhiều tứ hay, câu hay. Dù không quá ám ảnh, nhưng một đời làm thơ đâu phải ai cũng có được hàng trăm bài thơ dễ đọc:


“Dáng em hướng nào cũng đẹp


Dải lụa vắt ngang trời chiều


Để ngày giật mình thảng thốt


Đêm về đổ bóng liêu xiêu


Tóc em như có phép lạ


Xô nghiêng cả rặng tre dầy


Bồng bềnh giai điệu xô nát


Cuốn chìm những mắt lá bay


Mắt em dìu dịu trăng say


Làm mây quẩn quanh ríu bước


Sao kia trốn trời thao thức


Thèm lọt ánh mắt em bay


Dáng em hướng nào cũng đẹp


Bần thần câu rút hồn tôi


Gắn si vào niềm vọng thức


Một thời rưng rức bỏng sôi...”.  

May cho Hiệp là anh đã có một người đàn bà, một cô gái làm nghề thư viện sẻ chia số phận. Và trong cuộc lãng du lớn, anh có chị bên cạnh. Một lần ngồi cùng anh và một người bạn của anh với bún chả bia hơi trên phố Tràng Tiền, tôi quý Hiệp hơn khi anh giới thiệu: Đây là người yêu cũ của... vợ. Cảm động hơn khi thấy người đàn ông ấy hình như cũng rất quý mến Hiệp.

Hiệp thật thà đến tội nghiệp. Cả trong đời, trong tranh, cả trong nhạc và thơ... Và chiều nay nghe họa sĩ Vi Quốc Hiệp từ Đà Lạt ôm đàn hát Khau Vai, bài hát do anh viết nhạc, xúc động quá, lời thơ hòa âm điệu dân ca Mông gợi một chút buồn sang trọng. Tôi chợt thương những cố nhân “Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió/ Em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình”... Mới hay Vi Quốc Hiệp hãy còn quá nhiều xúc cảm. Và tôi tin Hiệp vẫn còn lãng du trên con đường nghệ thuật vốn nghiệt ngã và lắm đam mê...

Theo Tân Linh (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm