Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu khai thác vào quý II-2015 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.
Mặc dù theo dự kiến, vào ngày 15-12 tới đây tuyến buýt sẽ được vận hành thử nhưng theo ghi nhận, cho đến hôm nay một số phụ mục tại các nhà chờ vẫn chưa được hoàn thiện, vật liệu vẫn ngổn ngang.
Theo quan sát tại một số nhà chờ trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn…, các công nhân vẫn đang thi công, hoàn hiện nốt những phần việc còn dang dở.
Nhiều vật liệu vẫn ngổn ngang tại đây, một số công trình phụ như hàng rào chắn, nền lát lối vào vẫn chưa xong.
Tại một nhà chờ trên đường Lê Trọng Tấn, những tảng bê tông chắn ngang lối lên xuống của cầu thang đi bộ.
Nhiều nhà chờ khác gạch lát vẫn lổn nhổn.
Tấm biển "Làn đường xe buýt nhanh" chưa làm nhiệm vụ đã méo mó.
Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã có độ dài hơn 14 km, dự kiến xe sẽ chạy hết 30 phút/lượt, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.
Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có bốn cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/giờ, các xe đều có hệ thống GPS kết nối trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.
Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Một số nhà chờ đang được công nhân lau dọn...
Phía bên trong bụi bặm bám đầy.
Tại một số điểm lối lên xuống của cầu thang đi bộ, những mũi kim tiêm, vỏ lọ nước vung vãi...
Thậm chí những mũi tiêm vẫn còn dính máu...