Viêm loét dạ dày có được ăn sô cô la, uống nước ngọt?

(PLO)- Trẻ bị viêm loét dạ dày nên tránh đồ ăn gây kích thích niêm mạc dạ dày như cà phê, sô cô la, hạn chế nước uống có ga, ăn đúng bữa, không bỏ bữa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Con tôi 10 tuổi bị viêm loét dạ dày nhưng rất thích ăn sô cô la, uống nước ngọt như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé không thưa bác sĩ? (Minh Thư, 40 tuổi, Long An).

Trả lời

Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và thường sống trú ngụ ở niêm mạc dạ dày.

viêm loét dạ dày
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng II thăm khám cho bệnh nhi bị viêm loét dạ dày. Ảnh: VÕ THƠ

Điều trị trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng do HP ở trẻ rất vất vả và tốn kém. Thời gian điều trị kéo dài, thường mất 6 đến 8 tuần trong một lần điều trị. Trong đó phối hợp 3 thuốc trở lên và hai kháng sinh, kết hợp với làm lành ổ loét và niêm mạc dạ dày.

Ở trẻ em, tình trạng tái nhiễm HP sau điều trị cao hơn so với người lớn.

Trong quá trình điều trị, chế độ ăn uống của trẻ vẫn bình thường. Nên tránh đồ ăn gây kích thích niêm mạc dạ dày như cà phê, sô cô la, bia rượu, hạn chế nước uống có ga, ăn đúng bữa, không bỏ bữa.

Phụ huynh không nên sử dụng các biện pháp dân gian truyền miệng kết hợp trong quá trình điều trị vì sẽ làm tăng nguy cơ thất bại.

Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần tránh mớm cơm cho con, đưa thức ăn lên miệng thổi trước khi đút cho con hay dùng chung chén, bát… như vậy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP cho trẻ.

Ngoài ra, đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn HP là miệng - miệng hay phân - miệng. Do đó, không dùng chung dụng cụ ăn uống như muỗng đũa. Nếu sử dụng lại phải khử khuẩn để hạn chế mức độ lây lan, xử lý phân và vệ sinh đúng cách.

BS CKII Nguyễn Thị Thu Thủy, khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm