Một trong những vụ trộm tranh lớn nhất lịch sử thế giới với số tranh trị giá hơn 600 triệu USD được thực hiện quá dễ dàng khiến hệ thống an ninh tại các bảo tàng có tranh quý hiếm ở Pháp được dịp xốc lại qua “cơn địa chấn”.
Kẻ trộm bị “cận thị”
Sáng 20-5, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Paris, nằm đối diện tháp Eiffel bên kia sông Seine, mở cửa bỗng một nhân viên bảo vệ tá hỏa phát hiện dấu hiệu đột nhập. Kẻ trộm đã phá cửa sổ phía sau, cắt khóa và lưới sắt bảo vệ rồi mang đi 5 bức họa nổi tiếng “Dove với Green Peas” của Pablo Picasso (vẽ năm 1912), “Pastoral” của Henri Matisse (vẽ năm 1905), “Olive Tree near Estaque” của Georges Braque, “Woman with a Fan by Amedeo Modigliani” và “Still Life with Chandeliers” của Fernand Leger. Các hình ảnh thu được từ camera an ninh tại bảo tàng cho thấy một người đột nhập qua cửa sổ vào ban đêm nhưng có thể đối tượng còn có đồng phạm.
Điều tra viên khám nghiệm khung tranh bị bỏ lại tại hiện trường
Nếu từng xem các bộ phim Hollywood về các siêu trộm, người ta sẽ bắt gặp các nhân vật do Cary Grant, Pierce Brosnan hay nữ diễn viên Catherine Zeta Zone thủ vai thường phải sắp xếp kế hoạch kỹ lưỡng khi đối phó với hệ thống cảm biến vận động và cảnh báo laser vô cùng phức tạp. Nhưng tối hôm đó, tên trộm đã gặp may khi hệ thống cảnh báo của bảo tàng hỏng gần 2 tháng nay. Kẻ đạo chích đã bình tĩnh không cắt tranh từ khung treo mà tháo ra cẩn thận rồi đem đi.
Cuộc điều tra hiện do một tổ đặc biệt thuộc Bộ Nội vụ Pháp chuyên về buôn bán các tác phẩm nghệ thuật phụ trách. Các quan chức bảo tàng thừa nhận hệ thống chuông báo động có vấn đề. Trong khi đó, 3 nhân viên bảo vệ ca đêm hôm đó đều nói là không phát hiện điều gì lạ. Quả thực đó là tên trộm (hoặc bọn trộm) rất chuyên nghiệp, trong 20 gian trưng bày, chúng đã lấy đi 5 bức kiệt tác tổng trị giá 613 triệu USD. Thị trưởng Paris Bertrand Delanoe bày tỏ: “Vụ trộm khiến tôi buồn và bị sốc, đây là cuộc tấn công mạnh vào di sản văn hóa thế giới của Paris”.
Thực tế, đây là những bức tranh quá nổi tiếng và đắt giá nên không thể trao đổi trên thị trường chợ đen. Làm sao có thể để lộ ra bức kiệt tác của Picasso hay Matisse khi mà cả thế giới đang lùng sục, Văn phòng Interpol ở 188 quốc gia cũng đã có dữ liệu về chúng. “Bọn trộm chắc là cận thị”, Anthony Amore, người phụ trách an ninh của Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, Mỹ nhận xét. Thế nên, với dạng tranh khó bán như vậy, ranh giới giữa sự vô giá và vô giá trị cũng rất mong manh.
Động cơ và giả thuyết
Quanh ý đồ đánh cắp các bức tranh này, có khá nhiều giả thuyết được đặt ra: Đa số cho là bọn trộm thực hiện đơn đặt hàng của một nhà sưu tập nào đó muốn giữ các bức tranh cho riêng mình dù biết rằng chúng không thể xuất hiện công khai hay mua đi bán lại được. Còn nhớ, năm 1990, hơn 10 bức tranh nổi tiếng ở Bảo tàng Isabella Gardner ở Boston bị đánh cắp, sau đó một số công ty bảo vệ nghệ thuật cho biết những người mua chúng ở châu Á nhưng bộ sưu tập cũng như danh tính của họ không ai biết.
Dựng lại cảnh trộm đột nhập Bảo tàng nghệ thuật đương đại Paris
Cũng không loại trừ một âm mưu hoàn hảo giống như trường hợp các bản sao của bức họa nổi tiếng Mona Lisa bị đánh cắp ở Paris năm 1911. Theo bài báo trên tờ Vanity Fair năm ngoái, khi tin tức về vụ trộm tranh hé lộ, kẻ trộm đã chuyển các bức tranh cho các nhà sưu tập giàu có ở Mỹ với giá tiền thật nhưng thực chất là bản sao. Những ông chủ này bị mắc lỡm nhưng không thể kiện ai vì nếu nói ra lại biến thành những kẻ tiếp tay cho tội phạm.
Phần đông dư luận cũng hướng tới giả thuyết, mục đích của vụ trộm là để lấy tiền chuộc. Những trường hợp thế này đã xảy ra nhưng con số trao đổi cụ thể hiếm khi được tiết lộ. Nếu kẻ trộm thông đồng với một tổ chức tội phạm nào đó, chúng sẽ tạo ra nhiều lớp trung gian, đồng thời rất thận trọng và kiên nhẫn trong quá trình thương lượng. Trang tin điện tử của Pháp Rue 89 mới đây dẫn “một nguồn tin thân cận từ văn phòng thị trưởng thành phố” cho hay, những kiệt tác trên chưa mua bảo hiểm. Điều này có nghĩa nếu bị đòi tiền chuộc, chính quyền Paris sẽ phải bỏ tiền túi để chuộc lại.
Một số vụ xét xử những “ông trùm” tội phạm cho thấy nhiều bức tranh được coi là những món quà hay món đồ mua chuộc trong các cuộc trao đổi súng ống và ma tuý. Thực hiện vụ trộm tranh quý cũng phần nào gây thanh thế cho băng nhóm tội phạm và có thể ở bước đường cùng, một số “ông trùm” đưa tranh ra để mặc cả giảm án, hai bức tranh của Picasso cũng từng xuất hiện trong các cuộc trao đổi giảm án ngẫu nhiên như vậy.
Dù động cơ và giả thuyết thế nào thì có dự đoán tiêu cực rằng nếu mọi chuyện chẳng tới đâu, công chúng sẽ còn rất ít cơ hội để xem lại những bức tranh này. Cũng không biết chừng người ta sẽ gặp may khi bức tranh bị đánh cắp đột ngột xuất hiện giữa công chúng như bức “Tiếng thét” của Edvard Munch bị lấy đi từ Triển lãm quốc gia Nauy năm 1994 nhưng 3 tháng sau thấy treo ở một phòng khách sạn, hay như vụ trộm lấy các bức tranh trị giá khoảng 100 triệu USD từ Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam năm 1991, có lẽ do sợ quá mà thủ phạm bỏ lại toàn bộ tang vật trong chiếc xe ôtô để ở một nhà ga.
Xốc lại an ninh cho “ngành công nghiệp” bảo tàng
Vụ đánh cắp 5 bức tranh quý tại Paris khiến dư luận xôn xao, trong đó có nhiều câu hỏi đặt ra đối với hệ thống an ninh tại các bảo tàng của nước Pháp. Điều đáng nói, dù Bảo tàng nghệ thuật đương đại Paris có thu được hình kẻ tình nghi qua camera an ninh nhưng hình ảnh quá xấu, tựa như một bức tranh “lập thể”, khó mà xác định được đối tượng. Trong khi đó, số camera “hỏng” này lại nằm trong số thiết bị an ninh trị giá 15 triệu USD mới nâng cấp 4 năm trước, cũng không hiểu tại sao chuông báo động hỏng 2 tháng nay vẫn không thấy sửa chữa.
Ông Daniel Herman, Phó Thị trưởng Marseilles khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France24 cho biết, trung bình các bảo tàng tại Pháp bị đánh cắp khoảng 29 tác phẩm nghệ thuật mỗi năm. Hệ thống báo động là vấn đề chính, khi thì chuông báo quá muộn, đôi khi không thèm rung chuông. Giải pháp, theo ông Herman là phải trang bị hệ thống điện tử đồng bộ với những con chip kiểm soát từng tác phẩm nghệ thuật, cùng với đó là camera lắp đặt khắp các căn phòng và ngóc ngách. Dù có tốn kém nhưng ông Daniel Herman khẳng định “không có sự lựa chọn nào khác”.
Hải Yến tổng hợp (ANTĐ)