Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer

Ngày 13-7, Bộ Y tế công bố kế hoạch phân bổ vaccine Pfizer cho các tỉnh, TP, ưu tiên cho các địa phương đang có dịch. Tổng số liều theo kế hoạch phân bổ là hơn 100.000 liều, trong khi số vaccine Pfizer về Việt Nam chỉ hơn 97.000 liều.

Dự kiến trong tháng 7, số lượng vaccine còn lại trong lô 745.000 liều Pfizer sẽ đến Việt Nam. Đây là gói vaccine mua từ tiền ngân sách, theo hợp đồng 31 triệu liều Pfizer ký với Bộ Y tế hồi tháng 5-2021.

TP.HCM sắp nhận được 55.000 liều vaccine Pfizer

Theo phương án, vaccine phân bổ tới 63 tỉnh/thành, lực lượng công an, quân đội và 21 bệnh viện (BV), viện, trường thuộc Bộ Y tế.

Cụ thể, TP.HCM sẽ nhận được 55.000 liều. Bên cạnh đó, các BV tại TP.HCM cũng được phân bổ riêng (BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Y học cổ truyền TP.HCM và Viện Pasteur TP.HCM được phân bổ 10.500-14.000 liều), nếu tính tổng cả BV thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TP.HCM thì địa phương này nhận khoảng 105.000 liều.

Hà Nội được phân bổ hơn 38.000 liều, Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh nhận được 25.000 liều. Hầu hết các tỉnh khác được phân bổ 5.850 liều Pfizer mỗi nơi.

Trong các BV và viện trực thuộc Bộ Y tế, BV Bạch Mai và BV Phổi trung ương nhận được nhiều nhất với hơn 15.200 liều/BV. BV Nhi trung ương được phân bổ hơn 14.000 liều, BV E hơn 12.800 liều.

Bộ Y tế giao dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thực hiện tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vaccine tới các đơn vị theo danh sách phân bổ. Vaccine sau khi xuất khỏi kho lạnh cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C và phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày.

Trường hợp không sử dụng hết vaccine hoặc có nhu cầu sử dụng thêm, các đơn vị phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP.HCM để chủ động điều phối, tổ chức tiêm chủng, đảm bảo sử dụng vaccine COVID-19 hiệu quả.

Lực lượng y tế Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân F0. Ảnh: NGUYỆT NHI

Gần 9 triệu liều vaccine đã được nhập về Việt Nam

Hiện Việt Nam đã nhập gần 9 triệu liều vaccine. Trong đó, hơn 6 triệu liều AstraZeneca, 2 triệu liều Moderna, nửa triệu liều Sinopharm, 1.000 liều Sputnik. Sáng 13-7, Nhật Bản tặng thêm cho Việt Nam 1 triệu liều vaccine COVID-19, số này sẽ được chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 16-7. 

“Người dân không nên chờ đợi loại vaccine khác”

Theo chiến lược tiêm chủng lớn nhất lịch sử, bộ cũng cho phép dùng vaccine này tiêm trộn vaccine COVID-19, tức là mũi 1 tiêm vaccine khác, mũi 2 có thể tiêm vaccine Pfizer.

Ví dụ, mũi 1 tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Moderna thì mũi 2 có thể tiêm vaccine Pfizer 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý.

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, ở thời điểm thiếu vaccine, người dân có thể buộc phải tiêm một loại khác với mũi thứ nhất nhưng cần theo dõi sát tình hình sức khỏe.

“Các vaccine này đều có hiệu quả bảo vệ tương đương nhau, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả là 70%; mũi 2 là 80%-90%. Vì vậy, người dân không nên có tâm lý chờ đợi loại vaccine khác” - PGS-TS Dương Thị Hồng khuyến cáo. Mặc dù việc tiêm trộn được nhiều quốc gia áp dụng nhưng cách thức này chưa có đánh giá của WHO.

Hiện tại, nhà sản xuất và WHO đều khuyến cáo tốt nhất tiêm cùng một loại vaccine đủ hai liều.

Thời điểm giữa mũi tiêm thứ nhất và thứ hai tùy thuộc vào loại vaccine COVID-19 bạn đã tiêm. Nếu vaccine COVID-19 là của Pfizer-BioNTech, Moderna, Sinopharm, bạn nên tiêm mũi thứ hai ít nhất khoảng 3-4 tuần sau mũi đầu tiên. Đối với vaccine COVID-19 của AstraZeneca, bạn nên tiêm mũi thứ hai sau 8-12 tuần là lý tưởng nhất.

Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử bắt đầu từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022 đó là nước ta sẽ tiêm vaccine cho 70% dân số Việt Nam. Hết năm 2021, 50% người trên 18 tuổi sẽ được tiêm chủng vaccine.

TP.HCM đề xuất tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người nhà nhân viên y tế

Sáng 13-7, Sở Y tế TP.HCM vừa ký công văn khẩn đề xuất tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người nhà nhân viên y tế trên địa bàn TP gửi UBND TP.HCM.

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất bổ sung nhóm ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong đợt 5 là thân nhân của nhân viên y tế đang làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân. Cụ thể là vợ chồng, con; tứ thân phụ mẫu; anh chị em ruột và người thân khác sống cùng nhà.

Nếu được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, Sở Y tế sẽ giao các đơn vị y tế chịu trách nhiệm lập danh sách những người là thân nhân của nhân viên y tế đang làm việc tại đơn vị và chủ động tổ chức tiêm cho nhóm người nói trên.

Theo Sở Y tế TP.HCM, lực lượng nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và từ đó lây nhiễm cho thân nhân. Để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và tạo sự yên tâm công tác cho nhân viên ngành y tế TP.HCM, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người nhà nhân viên y tế là hết sức cần thiết. TRẦN NGỌC 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm