“Xóm giang hồ” Sài Gòn ngày ấy – bây giờ :

Mả Lạng - Vùng đất tái sinh từ cái chết trắng

LTS: Những vùng đất dữ, vùng đất trứ danh của những tay giang hồ cộm cán, về thế giới ngầm của tệ nạn xã hội ám ảnh nhiều người mỗi khi nhắc tới. Nhưng đến nay, những vùng đất ấy đang dần tái sinh, khoác lên mình tấm áo của bộ mặt đô thị mới, với những con người rất đỗi thân thiện, hiền hậu.

“Hồi đó con kêu xe ôm vào Mả Lạng, đố có người dám chở con vào”, bà Hai- một người dân sống lâu năm ở khu Mả Lạng mở đầu có chuyện về vùng đất này.

Khu nghĩa trang, điểm đen ma túy, và... 

Mả Lạng vốn là một khu đất nhỏ nằm trong vành đai 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM).

Trong ký ức của bà Hai, Mả Lạng xưa kia vốn là khu nghĩa địa. Người dân sống ở đây lý giải về cái tên Mả Lạng rằng: Thời đó vì quá nghèo, không có nơi để ở, người ta mới nghĩ ra cách lấy một miếng ván bắt ngang từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác để làm thành cái chòi che nắng che mưa, từ đó ở đây được gọi là Mả Lạng, nghĩa là ở từ mả này lạng qua mả kia.

Nhóm người tụ tập bên quán nhỏ tại khu Mã Lạng, những năm 90. Ảnh: Nhiếp ảnh gia người Nhật Doi Kuro.

Năm 1975, chính quyền thành phố vận động người dân đi xây dựng đời sống tại các vùng kinh tế mới. Nhưng vì điều kiện sống tại các vùng kinh tế mới khá khắc nghiệt, nên những năm 1977-1978, người dân lại ùn ùn kéo nhau về sống lay lắt ở các vỉa hè khu vực trung tâm. Để giải quyết tình trạng trên, chính quyền thành phố đã chọn khu đất tại Mả Lạng, dựng lên những lán trại bằng phên tre rồi đưa người dân về sinh sống. Cuộc sống khó khăn, không nghề nghiệp ổn định, tệ nạn cũng dần nảy sinh.

Một người từng là cảnh sát khu vực của khu Mả Lạng này kể lại, trước khi nở rộ nạn buôn bán ma túy, Mả Lạng từng ‘nổi tiếng’ với các nạn cờ bạc, mại dâm… Nhưng sau đó, nguồn thu từ việc buôn bán ma túy quá lớn, người dân chuyển sang mua bán mặt hàng này... Bóng đen ma túy từ đó bao trùm lên toàn khu Mả Lạng, biến Mả Lạng thành một trong bốn điểm nóng buôn bán ma túy của cả nước giai đoạn 1997- 2003.

Anh cảnh sát khu vực ai cũng trầm trồ

Sống ở Mả Lạng ngón nghét đã hơn 35 năm, bà Hai bảo ngày đó, mảnh đất này cờ bạc, gái gú, uýnh lộn đủ hết. Nhưng ngán nhất, vẫn là nghiện! Người nghiện nhan nhản, ngồi vạ vật trước cửa nhà. Tệ nạn hoành hành, cảnh sát khu vực thay chẳng biết bao nhiêu người. Người này tới, dân chẳng kịp nhớ mặt thì đã có người khác thay.

Bà Hai trầm ngâm nhớ về những ngày Mả Lạng trong cơn lốc ma túy. ẢNH: NT-TT.

“Năm ấy, dân có 10 người thì đến chín người nghiện. Có nhà 3, 4 người nghiện thậm chí nghiện cả nhà: cha mẹ nghiện, con nghiện. Vì nghiện nên phải bán mới có tiền hút. Nghiện rồi chết. Những năm đó, mỗi ngày đều có 3- 4 cái hòm nằm xếp hàng ở đầu xóm, chết nhiều lắm. Con trai út của bà cũng dính rồi đi, mười mấy năm rồi”, bà Hai rùng mình nhớ lại những năm tháng ấy.

Ma túy, nghiện ngập… cứ tiếp diễn cho đến ngày anh Nam cảnh sát khu vực về đây. Người dân cũng chẳng để tâm cho lắm vì “chắc ở được vài bữa lại đi”. Nhưng chẳng ai ngờ, đó lại là người mà sau này mỗi lần nhắc tới, người dân nơi đây lại trầm trồ. “Dân Mả Lạng mang ơn chú Nam nhiều lắm. Hồi đó, xe ôm không dám vào vậy mà đêm hôm, một mình chú ấy đi xuống tuần tra. Dân gọi lúc nào cũng có mặt”, bà Hai mỉm cười nhớ lại.

Chẳng ai hiểu, người thanh niên ấy đã làm những gì, chỉ biết “chú Nam giỏi võ lắm, ốm nhách mà uýnh với du côn tụi nó nằm chèm bẹp”. Người ta kể, chú Nam biết làm kinh tế, biết dạy dân kiếm tiền chân chính, nên được dân thương. Người ta kể, nghe hàng xóm hoạnh họe nhau, suýt chém tới nơi, chú Nam biết tới “nói chuyện” trước rồi, dân phục. Người ta kể hàng trăm câu chuyện. Cho đến một ngày, những cuộc điện thoại gọi lên phường gặp chú Nam ngày càng nhiều: “chú Nam đừng xuống, nay tụi nó tính trùm mền xử chú”, “chú Nam xuống lẹ, nhà XYZ vừa có ma túy, là bọc mì tôm vứt trong góc, chú móc ra đi thể nào cũng có hàng”….

Anh là Nguyễn Hoài Nam (hiện là Phó trưởng công an phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). “Xuống tới nơi, thấy bao mì tôm vứt lăn lóc như rác mở ra đúng có ma túy thiệt. Mình lụm về, báo cáo, lập biên bản, rồi tiêu hủy. Nhưng bắt lẻ thì bao giờ mới hết, phải tìm ra đầu nậu, tập hợp lại thông tin tài liệu về những đối tượng bán sỉ rồi gửi lên cấp trên. Mả Lạng có được hôm nay là công sức của cả một tập thể”, anh Nam cười. Chuyên án của Bộ Công an sau đó, đập tan hệ thống đầu nậu ma túy tại Mả Lạng, lập lại bình yên nơi đây….

Mả Lạng - Vùng đất tái sinh từ cái chết trắng ảnh 3 Mả Lạng - Vùng đất tái sinh từ cái chết trắng ảnh 4

Khu Mả Lạng nhìn từ trên cao. Ảnh HTD; Tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh quận 1). Ảnh: chụp từ google map.

Thay da đổi thịt

Bước chân vào Mả Lạng hôm nay, người ta không còn cảm giác sợ sệt nữa. Những con hẻm dẫn vào khu này nhìn tươm tất, không còn cảnh nhếch nhác, rác đầy đường như lúc trước. Dần tiếp xúc và trò chuyện với những con người ở khu này mới thấy họ thân thiện, cởi mở và thèm nói chuyện đến mức nào.

Đó là anh gửi xe ở đầu hẻm, thấy chúng tôi đứng loay hoay không biết nên gửi xe chỗ nào thì lớn tiếng gọi: “Để xe ở đây nè tui trông cho cô ơi”. Rồi khi hỏi đến một cái tên của ai đó sống trong hẻm, người dân lại tận tình chỉ đường.

Những con hẻm đi vào khu Mả Lạng ngày nay đã khang trang, sạch sẽ hơn trước rất nhiều. ẢNH: NT-TT.

Trò chuyện với chúng tôi suốt buổi chiều, nhìn những ngôi nhà đang mọc lên, cửa tiệm san sát, bà Hai bảo giờ khu Mả Lạng văn minh nhiều lắm rồi. Sau khi cơn lốc ma túy đã đi qua, điều gì còn lại ở khu Mả Lạng này? Nhiều người dân trả lời: Tình người!

Giữa con hẻm nhỏ, người đàn ông tầm ngoài 60 tuổi đẩy chiếc xe chất đầy thức ăn chuẩn bị đi bán hàng. Được một đoạn, bánh xe vướng ổ gà vậy là chị hàng xóm ngồi kế đó nhanh nhảu chạy ra. “Chú để con phụ chớ thấy cồng kềnh quá nè”, chị nói rồi cùng ra sức đẩy chiếc xe của chú ra tận đầu ngõ…

Từ năm 2000, TP.HCM có chủ trương giải tỏa, chỉnh trang khu Mả Lạng và giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai nhưng không làm được. Năm 2007, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco nhưng dự án này cũng bị treo tiếp 10 năm nay.

Mả Lạng - Vùng đất tái sinh từ cái chết trắng ảnh 6
Bà Hai bảo rằng: “Khu này nếu thay đổi được thì hay chớ, bao nhiêu năm chìm mình trong cái đen tối của xã hội thì cũng có ngày thay da đổi thịt”. ẢNH: NT-TT.

Nhắc đến thông tin này, bà Hai nói: “Dân chúng tôi chỉ mong có cuộc sống ổn định hơn là được. Khu này nếu thay đổi được thì hay chớ, bao nhiêu năm chìm mình trong cái đen tối của xã hội thì cũng có ngày thay da đổi thịt”.

Kỳ 2: Hẻm 148 Tôn Đản nay đã khác xưa rồi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm