Bớt khổ nhờ bếp ăn nghĩa tình

“Vui lòng cung cấp địa chỉ của bếp ăn miễn phí để chúng tôi cùng chung tay”, bạn đọc tên Tonydo đã đề nghị như thế sau khi đọc bài “Cả phường tụm lại nấu cơm cho người nghèo” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 26-4. Nhiều người dân phường An Phú, quận 2, TP.HCM cũng tiếp tục bày tỏ xúc động về nghĩa cử thực hiện bếp ăn từ thiện của phường và các nhà hảo tâm.

Được quan tâm, có động lực mưu sinh

Khi được người quen chỉ có bếp ăn miễn phí của phường, tôi thường đến nhận cơm. Nói thật là mình nghèo khổ quá nên mới phải nương nhờ như thế này, chứ luôn tự nhủ còn sức thì còn làm việc. Bốn phần cơm với hai suất trưa và tối giúp gia đình tôi đỡ lo chuyện ăn uống. Tiền kiếm được, chúng tôi tằn tiện để chi phí cho các khoản khác. Tôi thấy phường xây dựng cái bếp ăn như vậy có ý nghĩa lắm.

Cái nghèo cứ bám víu từ năm này qua năm khác nên bất kỳ sự giúp đỡ nào cũng là may mắn với chúng tôi cả, trên hết là chúng tôi vô cùng xúc động vì biết mình được quan tâm, chăm lo. Đó là nguồn động viên tinh thần để chúng tôi có động lực mưu sinh.

Thanh Phụng(Khu phố 5, phường An Phú, quận 2, TP.HCM)

Ông Tăng Văn Nghĩa mong muốn sẽ có nhiều người nghèo được nhận những phần cơm miễn phí như mình. Ảnh: THANH TUYỀN

Mong thêm nhiều bếp ăn nghĩa tình

Từ lâu Sài Gòn nổi tiếng nghĩa tình với việc xuất hiện nhiều bếp ăn miễn phí. Thêm một bếp ăn mới sẽ thêm người nghèo vơi bớt nỗi lo. Họ hiểu mình đang được quan tâm từ những điều nhỏ. Có những gia đình mà tôi quen biết, do hoàn cảnh đau bệnh ngặt nghèo, do tai ương hoặc phải từ miền xa vào Nam mưu sinh..., bữa cơm của họ quanh năm suốt tháng chỉ là chén cơm trắng với nước mắm dằm ớt, lâu thật lâu mới có được dĩa rau hoặc cái trứng luộc; thậm chí còn trộn ớt bột vào ăn với cơm để thêm vị cho dễ ăn. Mô hình bếp cơm nghĩa tình đã giúp họ giải quyết được phần nào những lo toan. Mong rằng tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau không chỉ gói gọn ở phường, quận hay địa bàn TP, mà sẽ lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành khác, để mỗi hành động thể hiện sự đùm bọc đi đến đúng đối tượng đang cần sự chung tay giúp đỡ.

Để làm được điều này, các cấp chính quyền ở địa phương cần đi sâu vào đời sống của người dân để có những hoạt động tương trợ ý nghĩa, thiết thực. Các mạnh thường quân chỉ cần mỗi người một ít, mỗi người một việc thì sẽ có thể góp công sức vào hành động nhân văn này.

Nguyễn Ngọc Thanh (Phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM)

“Mừng dữ lắm!”

Có bếp ăn từ thiện của phường, vợ chồng tôi đỡ lắm! Nhà vốn đã khó khăn, nay vợ tôi không làm gì được sau lần ngã gãy đốt sống lưng, xấp vé số tôi bán không đủ để trang trải chi phí. Trước đây, bất kể bán vé số ế hay đắt, cứ tầm trưa là tôi lật đật chạy ra quán cơm mua một phần về hai vợ chồng ăn chung. Giá cơm đắt lắm, đến 25.000-30.000 đồng/phần nên chúng tôi chỉ dám ăn một bữa thôi. Từ khi có bếp ăn miễn phí của phường An Phú, quận 2, tôi đến đây nhận cơm thường xuyên. Hiểu gia cảnh của tôi nên người ta cho cả hai suất trưa và chiều, vợ chồng tôi không còn lo lắng chuyện hôm nay có cơm ăn không. Anh Út gần nhà cũng được nhận cơm như tôi, ảnh mừng dữ lắm. Có lâm cảnh thiếu ăn như chúng tôi mới thấy nghĩa cử của chính quyền, của các mạnh thường quân và những người bỏ thời gian nấu nướng, phát cơm… quý như thế nào.

Nếu bếp ăn này được duy trì lâu dài và được thực hiện rộng rãi hơn ở nhiều nơi thì đỡ cho biết bao nhiêu người. Nhiều người quen của tôi sống ở nơi khác rất khổ, đến mức không có đủ tiền để mua một ký gạo. Tôi mong nhiều nơi có bếp ăn miễn phí như vậy để người già neo đơn có được bữa ăn ngon, người nghèo tiết kiệm được tiền bạc để lo chữa bệnh, lo cho con cái học hành.

Tăng Văn Nghĩa (Khu phố 5, phường An Phú, quận 2, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm