Những “đại lý từ thiện” ăn bám bệnh nhân nghèo

Lời tòa soạn: Bài viết trên Facebook của Nhà báo Đức Hiển, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM, một người có thời gian nhiều năm làm công việc thiện nguyện. PLO giới thiệu lại như một cảnh báo.
Một thời gian làm công việc thiện nguyện và nhận được sự sẻ chia đồng cảm đồng cảm từ cộng đồng Facebook để giúp đỡ những số phận bất hạnh, tôi thấy chuyện từ thiện trên mạng đang có nhiều biến tướng, nhiều kẻ nhân danh từ thiện để trục lợi.
Một số nick quyên góp tiền từ thiện một cách rất khả nghi. Có nhiều trường hợp quyên tiền cho những ca đã được giúp đỡ xong, người hoặc tổ chức đứng ra kêu gọi đã khóa lại, thông báo dừng quyên góp.
Thủ đoạn của những kẻ này là đọc báo, lên Facebook hoặc tìm đến các bệnh viện để tìm mối. Chúng tìm những bệnh nhân (đa số là bệnh nhi) có hoàn cảnh thương tâm, bị tai nạn, gia đình khó khăn ngặt nghèo và cha mẹ bần hàn thiếu hiểu biết. Chúng mua cho bé và cha mẹ bộ quần áo, món quà vài trăm ngàn, hỏi thăm gia thế và từ những thông tin có được, chúng hứa hẹn kêu gọi giúp đỡ, chụp ảnh post bài.
Có nhiều thủ đoạn nhận tiền:
- Gửi về tài khoản của chúng, chúng sẽ chỉ trao cho gia đình bệnh nhân một ít chủ yếu để đăng Facebook còn thì giữ lại chia nhau. Danh sách người gửi tiền chúng vẫn đăng nhưng gia đình bệnh nhân hoặc không chơi phây hoặc am hiểu ít cộng với  tâm lý mang ơn nên không hỏi lại. Với cách này chúng có thể sử dụng nick đó để làm ăn trong thời gian dài.
- Ăn theo các cuộc kêu gọi, dẫn link bài kêu gọi của người hoặc tổ chức có uy tín về Facebook họ, kêu gọi góp tiền qua tài khoản họ để chuyển cho tổ chức đã kêu gọi quyên góp hoặc chuyển cho bệnh nhân.
- Có nhiều kẻ, Facebook của chúng loe ngoe vài người đọc nhưng lượt share mỗi status từ thiện lên tới hàng vạn lượt. Chúng giỏi công nghệ và push like, share ảo đấy, trong mấy vạn cái ảo, thể nào cũng có người bị lừa thật. Rồi cứ thế lan truyền và mang tiền tới!
- Mua điện thoại rẻ tiền, gắn sim vào và đăng số điện thoại lên Facebook nói rằng đó là số người thân chăm nuôi bệnh nhân. Khi có ai gọi tới chúng sẽ đưa cho người nhà bệnh nhân nghe. Chúng ngồi ở đó và vờ vịt làm thành viên một nhóm thiện nguyện thay nhau đến chăm trẻ. Nếu ai đến đưa tiền chúng nhận luôn. Bọn này có thời gian từng xuất hiện ở những nơi quá đông bệnh nhân như khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 vào mùa dịch sốt. Một bác sĩ BV Nhi đồng 1 cũng từng nói anh rất nghi ngờ một số bệnh nhân đã bị chúng lợi dụng.
Trong tất cả kiểu trộm cắp thì có lẽ kiểu "đại lý từ thiện" kiếm tiền như trên là thất đức nhất. Tuy nhiên khá dễ kiếm tiền, khó bị phát hiện và gần như chưa bao giờ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên chúng vẫn còn đất sống. Sở dĩ chúng lựa chọn bệnh nhi làm đích ngắm bởi hoàn cảnh thương tâm của trẻ dễ đánh vào lòng thương người của các bạn.

Những “đại lý từ thiện” ăn bám bệnh nhân nghèo ảnh 1
Ảnh: Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM trao tiền từ thiện cho bệnh nhân Trượng Nữ Hoàng Khải từ số tiền quyên góp qua tài khoản báo Pháp Luật TP.HCM và sự ủng hộ của cộng đồng Facebook qua tài khoản
nhà báo Đức Hiển.

Để tránh bị lợi dụng, cả người nhà bệnh nhân và những nhà hảo tâm nên lưu ý:

- Chỉ giúp đỡ qua cá nhân hoặc tổ chức mà bạn biết rõ, tin tưởng và kiểm chứng được.
- Việc đưa tiền và chụp ảnh biên nhận đăng báo, đăng phây từng bị một số ý kiến cho rằng không nên vì ảnh hưởng sĩ diện của người được giúp. Tuy nhiên đôi khi đó cũng là cách để rõ ràng, minh bạch, giữ lòng tin với nhau (dĩ nhiên bọn bất lương dễ dàng làm giả các biên nhận viết tay, biên nhận vì vậy chỉ là một yếu tố kiểm chứng).
- Trong một số trường hợp nếu các bạn đi theo nhóm riêng đến trợ giúp trực tiếp bệnh nhân, hãy thông qua bác sĩ lãnh đạo khoa hoặc phòng công tác xã hội của các bệnh viện để tránh có kẻ mạo danh ăn chặn. Nếu sau khi điều trị còn thừa, họ sẽ trả lại số tiền ấy cho gia đình bệnh nhân và thông báo cho bạn. Trong trường hợp bệnh nhân mà bạn muốn giúp đã đủ tiền chữa trị, nơi đây có thể tư vấn cho bạn san sẻ bớt cho trường hợp ngặt nghèo khác chưa được ai giúp trước đó. Như vậy, cùng một số tiền có thể giúp được nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo. Hãy tin rằng không ai có chuyên môn và quan tâm đến kết quả điều trị hơn các bác sĩ.
Và, hãy mạnh dạn điểm tên chỉ mặt những kẻ đang sống bằng cách làm thất đức và phạm pháp này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm