Tết quanh tôi:

Những đứa tha hương

- Thôi để hè hoặc năm sau con về cũng được, mẹ nhớ giữ sức khỏe.

Cúp điện thoại, nó thẫn thờ rồi quay sang mình, cười ngượng nghịu. Mình buột miệng:

- Tết không về được à?

Nó gật. Mình dè dặt:

- Tao còn ít tiền để dành đây, chắc đủ mua vé… Cần thì tao cho mượn.

Nó lặng một chút rồi bảo:

- Thôi, cũng không mua kịp nữa, mà về cũng buồn thêm chứ được gì. Tết ở lại thành phố, em đi làm thêm gì đó kiếm chút tiền cho mẹ, đỡ hơn.

Mình ừ. Nó ở cùng quê miền Trung, kém mình hai tuổi. Hồi ấy nó mới đậu đại học nhưng suýt phải bỏ vì không đủ tiền, may nhận được học bổng năm đầu nên hớn hở khăn gói vô Sài Gòn. Cuộc đời nó, dù mới đoạn đầu, cũng đã nhuốm cái mùi khô cằn sỏi đá như mảnh đất nắng gió khắc nghiệt nơi nó chào đời.

Lần đầu mình gặp nó ở cùng một chỗ đi làm thêm, cũng từ đó mình mến đứa con gái tóc ngắn, da ngăm đen, nhưng đôi mắt vẫn sáng lên một niềm lạc quan bất chấp nghịch cảnh. Nói thì lạ, nhưng biết bao đứa trẻ như nó, nhọc nhằn từ ngày mới mở mắt, vẫn luôn ấp ủ những niềm yêu đời, yêu người dù cuộc đời lắm khi đầy ghẻ lạnh.

Nhà vốn nghèo tả tơi, hai đứa em vẫn đang đi học, mùa lụt năm nay nhà nó còn rách nát thêm vì mất mùa. Nó buồn nhưng không về được. Nhà mình cũng không hơn bao nhiêu, nhưng may mắn cả nhà đã chuyển vô Nam được mấy năm. Mình một mình thuê trọ vừa làm thêm vừa đi học, lâu rồi không còn quay về quê ăn Tết. Gặp nó rồi mới thấm cái nỗi niềm ăn Tết xa nhà, xa gia đình.

Những người mẹ ở quê nhà đều mong ngóng con cháu quây quần trong ngày tết. Ảnh minh họa

Nó thương mẹ, thương em nên bảo sẽ cố gắng học giỏi rồi sau này giúp mẹ nuôi em, không muốn em nó phải lam lũ đi học đi làm đến xù lông như nó bây giờ, càng không muốn thấy hai đứa em nó phải nghỉ học giữa chừng.

Mỗi lần tâm sự, nó lại ngồi thủ thỉ với mình mà như tự nói với lòng, rồi nó siết chặt tay, mắt long lanh vẽ ra một tương lai tốt đẹp như lấy một anh chồng đẹp cóng thơm tho, ở trong một cái nhà đẹp, xe đẹp, cái cổng vào nhà cũng phải đẹp vì nó sẽ trồng một khóm quỳnh anh ở đó. Xong, nó cười khanh khách đầy mãn nguyện, quên hết chuyện buồn. Nghe nó kể lễ, mình lại trợn mắt bảo: “Kinh thế cơ à!”, nó đỏ mặt.

Có năm mình không về quê ăn Tết, nó mang vào một thúng bánh tét. Đúng một thúng! Mình thấy hãi quá bảo tao là người, không phải heo. Nó cười sằng sặc. Hai đứa đều nghiện ăn bánh tét kèm dưa món, ăn hàng tuần liên tục không ngán. Dạo đó mặt mày hai đứa nào cũng xanh lè vì đói.

Có điều không phải lúc nào nó cũng về quê mà vác bánh tét vào được, như năm nay. Buổi chiều im lìm. Nó gọi cho mẹ báo Tết này không về được, mẹ nó dặn cứ yên tâm ở lại học hành, khi nào về được thì về thăm, nhà vẫn ổn. Giọng mẹ nó lại rưng rưng ngắt quãng. Những người phụ nữ sinh ra trên mảnh đất ấy sống thầm lặng và hi sinh tất cả vì con, niềm vui đơn giản chỉ là được thấy con mình khỏe mạnh, được đến trường.

Ngày Tết, ai cũng chỉ mong được về nhà. Ảnh minh họa

May là bây giờ mình không ở xa mẹ, còn nó, mặt bạc phếch, buồn thiu. Lát sau, mình vỗ vai nói đùa, bảo thôi ráng năm sau về, năm nay tao lại gánh thêm một đứa tha hương, nhỉ? Nó cười gượng gạo, mặt méo xệch.

Biết mày thương mẹ và nhớ nhà nhưng cuộc sống vui buồn tùy lúc, chẳng ai biết được. Còn năm nay, hứa sẽ đưa mày về nhà tao ăn bánh tét. Nó cười, gật đầu cái rụp, ngoan thấy thương luôn.

Mình không dám khuyên nó cố gắng, dù sao nó cũng đã luôn cố gắng nếu không thì đã chết trong mấy năm rồi. Cũng không dám nói tương lai tốt đẹp xa xôi, cuộc đời không đơn giản rằng cứ cố gắng là sẽ tốt đẹp. Cái gì đến thì tự nó đến, nên cứ vui vẻ mà sống, vậy thôi.

Sài Gòn hoa lệ nhộn nhịp cũng có lúc đìu hiu, trở lạnh. Cuối năm rồi, ai cũng vội vàng tìm về tổ ấm. Mình nhớ có chương trình nói “nhà là nơi để về”. Mỗi người có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về, nhất là trong những ngày này. Cũng chẳng thiếu gì kẻ tha hương đang lần mò từng ngày từng giờ vì tổ ấm chưa thành hình, tổ ấm đang nằm đâu đó ở cõi tương lai, xa xăm mà cũng gần gũi lắm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm