Thiếu vốn giải phóng mặt bằng cao tốc Bến Lức-Long Thành

Theo báo cáo của VEC, dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đang bước vào giai đoạn thi công gấp rút, đảm bảo hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Bộ GTVT.

Để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, VEC đã chỉ đạo các nhà thầu điều chỉnh tiến độ thực hiện, khẩn trương thi công để hoàn thành dự án; đồng thời làm việc với các địa phương có dự án đi qua để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, dự kiến nhu cầu vốn còn lại cho công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành cần khoảng 504 tỉ đồng, trong khi ngân sách nhà nước mới bố trí được 383 tỉ đồng theo kế hoạch vốn năm 2018, số tiền này các địa phương đã chi trả hết.

“Như vậy, còn thiếu khoảng 121 tỉ đồng và VEC thống nhất chủ trương sử dụng vốn từ nguồn thu phí các dự án đang khai thác của tổng công ty tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng vốn cho công tác giải phóng mặt bằng đang còn thiếu hụt” - lãnh đạo VEC cho hay.

Trước nhu cầu cấp bách về nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, VEC đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền cho phép đơn vị sử dụng nguồn thu phí các dự án đang khai thác của VEC tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng cho phần giải phóng mặt bằng.

Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành được khởi công tháng 7-2014, do VEC làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án đường cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Long An đến các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại. Ngoài ra, khi khai thác tuyến cao tốc này sẽ giảm lượng xe quá cảnh qua TP.HCM, giảm ùn tắc cho các cửa ngõ của TP.HCM.

Đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài 57,7 km, trong đó đi qua địa phận tỉnh Long An gần 5,5 km, TP.HCM gần 25 km và tỉnh Đồng Nai hơn 27 km. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Tổng mức đầu tư của dự án là 31.320 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo kế hoạch dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm