Một thập niên giành giật, ‘cuộc chiến’ vỉa hè chưa chấm dứt

Dự thảo quy định về việc quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM vừa được Sở GTVT TP trình UBND TP cuối tháng 7-2018 để thay thế Quyết định 74/2008 ban hành cách đây 10 năm. Dự thảo cẩn thận chú thích đã trải qua sáu lần dự thảo, lấy ý kiến của 44 tổ chức, 21 chuyên gia và nhận được văn bản góp ý của 30 cơ quan, đơn vị. Một sự chuẩn bị “khổng lồ” và cần thiết cho một vấn đề luôn gây tranh cãi và nhạy cảm ở Sài Gòn.

Sự nhếch nhác “nửa vời”

Dạo quanh các tuyến đường ở TP.HCM, có thể nhận thấy sau khoảng thời gian hơn một thập niên tìm biện pháp sắp xếp, quản lý đến nay đã có những tuyến đường khang trang hơn, ngăn nắp hơn. Tuy nhiên, nhìn chung thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, sự nhếch nhác vẫn phổ biến.

Tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn qua Công viên Lê Thị Riêng, quận 3 là nút thắt thường xuyên kẹt xe nhưng các shop bán phụ kiện điện thoại vẫn vô tư giành hết vỉa hè để bày hàng. Nhiều shop còn treo hẳn băng rôn to bay phấp phới tràn xuống cả lòng đường.

Một con đường kinh doanh sầm uất khác là đường Nguyễn Trãi, quận 5, dường như công việc quản lý vỉa hè bị buông lỏng. Dù tại đây cũng có vạch kẻ phần vỉa hè dành cho người đi bộ, phần được sử dụng buôn bán nhưng dọc tuyến này quần áo bày bán tràn lan trên mọi ngóc ngách vỉa hè. Các hộ kinh doanh và người bán quần áo đơn lẻ tranh nhau từng phần đất, cử nhân viên xuống cả lòng đường mời khách mua hàng.

Tuyến đường Lê Bình, phường 4, quận Tân Bình có vỉa hè chỉ rộng chưa tới 1,5 m nhưng cũng không khác gì mấy. “Tôi vừa mua xe nước mía này được hai ngày và mới bán, cũng vì mưu sinh nuôi con nhỏ mới ba tuối” - chị Lê Thị Lài phân trần. Khi được hỏi nếu sau này việc kinh doanh trên các vỉa hè dưới 1,5 m bị cấm hoàn toàn thì chị tính sao, chị Lài cho biết “phải chịu vì không còn cách nào khác”.

Anh Nguyễn Văn Thanh, buôn bán dựa vào vỉa hè trên đường Hưng Phú, quận 8 nhiều năm nay thì biết rằng vỉa hè là dành cho người đi bộ, nên dù khách đông hay vắng anh vẫn ý thức chỉ sử dụng một phần nhỏ vỉa hè để phục vụ xe hủ tíu gõ của mình. Đáng tiếc là không phải người kinh doanh nào cũng có ý thức như anh Thanh.

Cụ già đi dưới lòng đường bởi các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tuyến đường kinh doanh quần áo Nguyễn Trãi, quận 5 không còn chỗ cho người đi bộ. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

“Rất khó để quy trách nhiệm cho ai”

Câu chuyện quản lý vỉa hè là dựa vào thực tế, không thể xa rời thực tế. Tất cả quyết định phải dựa vào dân và nghĩ cho người dân. Không thể làm theo phong trào, lấy được vỉa hè phải cần lộ trình dài, phải nắm được thực trạng. Chứ nửa mét, 1 m không giải quyết được vấn đề” - TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, phân tích.

Theo ông Sanh, việc đề ra quy định phải trên cơ sở khoa học, có luật lệ, có tiêu chuẩn, có trách nhiệm. “Tôi thấy nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét trách nhiệm của địa phương nhưng sẽ rất khó. Ai về làm chủ tịch quận thì cũng đều phải nghĩ cho lợi ích của người dân. Cần chỉnh đốn và sắp xếp như thế nào cho phù hợp là việc của cơ quan chuyên môn từ TP tới quận, huyện chứ không thể đổ hết cho địa phương được” - ông Phạm Sanh thẳng thắn.

Tại các cuộc họp về vấn đề trách nhiệm quản lý vỉa hè, lòng đường, nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng buông lỏng, lấn chiếm vỉa hè không kiểm soát được. Và cho đến nay, sau hơn 10 năm, nhắc nhở, rút kinh nghiệm là chủ yếu. Chưa có lãnh đạo nào bị một hình thức kỷ luật về vấn đề vỉa hè, lòng đường. 

Một người luôn quan tâm đến việc giữ gìn an toàn, trật tự vỉa hè, lòng đường là ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1. Tuy nhiên, khi PV hỏi ý kiến của ông đối với dự thảo quy định về việc quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM thì ông tỏ ra dè dặt: “Việc này tôi chưa có ý kiến ngay, nhà báo nên liên hệ các anh lãnh đạo Sở GTVT”.

Trong khi đó, trong dự thảo này, Sở GTVT TP.HCM lại có ý kiến cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của địa phương. Ngoài ra, dự thảo cũng nêu ra điểm đáng chú ý là quy định hiện nay chưa đề cập đến vai trò của các sở, ban, ngành liên quan như Ban An toàn giao thông TP, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở Công Thương.

Mà một khi chưa xác định được vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, vỉa hè TP.HCM vẫn trong tình trạng “cha chung không ai khóc”!

Những điểm chính của dự thảo

Những điểm chính trong dự thảo quy định về việc quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM: Vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải luôn dành cho người đi bộ 1,5 m bề rộng vỉa hè (Quyết định 74 chỉ yêu cầu dành 1 m cho người đi bộ). Đối với vỉa hè rộng từ 1,5 m đến dưới 3 m: Dành tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ, phần còn lại sử dụng vào các mục đích khác. Đối với hè phố rộng từ 3 m đến trên 5 m, ít nhất dành 1,5 m cho người đi bộ. Phần còn lại, ngoài việc tổ chức các hoạt động khác thì còn được phép giữ xe hai bánh và ô tô có thu phí.

Đối với phần lòng đường, dự thảo cho phép sử dụng một phần để tổ chức các sự kiện văn hóa-xã hội nếu thỏa điều kiện: Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu đủ bố trí hai làn xe cho một chiều đi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm