Khổ vì nồi, niêu, xoong, chảo… do nhiều bộ cùng quản lý

Ngày 21-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Cải cách hành chính của Chính phủ, đã có buổi làm việc với Cục Hải quan TP.HCM về công tác cải cách hành chính. Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo UBND TP.HCM, đại diện các bộ, ngành. 
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết trong sáu tháng đầu năm 2018, công tác kiểm tra chuyên ngành đã có những thay đổi tích cực, đến nay tỉ lệ hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trong thông quan làm thủ tục tại Cục Hải quan TP giảm xuống còn dưới 10%.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, vẫn còn những hạn chế, tồn tại về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. Vẫn còn tình trạng một mặt hàng phải qua nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành gây mất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN) và cơ quan hải quan.
Ví dụ, cùng sản phẩm sữa tươi nhưng thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT (kiểm dịch động vật) và Bộ Công Thương (kiểm tra an toàn thực phẩm). Như vậy mặt hàng sữa tươi vừa phải đi kiểm tra an toàn thực phẩm, vừa kiểm dịch động vật.
Những sản phẩm có tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm như nồi, niêu, xoong, chảo… nếu dùng điện thì vừa phải kiểm tra chất lượng nhà nước (Bộ Công Thương) và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế).

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, nêu các hạn chế trong kiểm tra chuyên ngành.

Hiện nay các bộ, ngành vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể đối với một số mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội như bút tự xóa (bút phù thủy), vật dụng có gắn camera siêu nhỏ, thuốc lá điện tử, tinh dầu dùng trong hút thuốc lá điện tử…
Cảnh báo về việc DN nhập khẩu các mặt hàng này đã được nêu tại các văn bản nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chuyên ngành đưa vào quản lý khiến cơ quan hải quan gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính của Cục Hải quan TP.HCM. Trong đó có những điểm nhấn mang tính đột phá như chú trọng phát triển quan hệ đối tác hải quan-DN, riêng sáu tháng đầu năm 2018 đã tổ chức 17 hội nghị đối thoại DN cấp cục, chi cục, giải quyết 350 kiến nghị; hạn chế tiếp xúc giữa DN và hải quan, giảm thiểu nhũng nhiễu; giảm thời gian đi lại của DN như thủ tục hoàn thuế, gia hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Đối với hạn chế trong kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng nói không chỉ một mặt hàng có tới hai bộ quản như sữa tươi mà có những mặt hàng có bốn bộ quản gồm Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ TT&TT.
Phó Thủ tướng đề nghị Cục Hải quan kiến nghị lên Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét những hạn chế của kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng gặp vướng mắc, khó khăn cho DN và làm khó cơ quan hải quan trong thời gian qua.
“Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần kịp thời rà soát các thủ tục quy định pháp luật chồng chéo, gây khó khăn cho DN. Tăng cường ứng dụng CNTT rút ngắn thời gian cho DN, tăng năng suất làm việc cho cán bộ hải quan; đầu tư máy móc hiện đại giám sát hàng hóa, phòng chống hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại…” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành những quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo HS thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan, tăng cường kiểm tra sau khi thông quan để giảm tỉ lệ hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành từ 25%-27% xuống còn dưới 10%. Công bố rõ ràng về tiêu chuẩn áp dụng, phương thức kiểm tra theo thông lệ quốc tế; chủ động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá nước ngoài đối với sản phẩm, hàng hóa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cao hơn của Việt Nam.
Kiến nghị Chính phủ công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành cần phải thực hiện kiểm tra tại thời điểm trước khi thông quan ở mức thấp nhất có thể; thống nhất quy định về hồ sơ đăng ký kiểm tra, phương thức kiểm tra, nguyên tắc kiểm tra, trình tự kiểm tra, địa điểm kiểm tra, các trường hợp miễn, giảm kiểm tra và ấn chỉ sử dụng trong kiểm tra chuyên ngành.
“Xã hội hóa kiểm tra, hình thành các cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm tra chuyên ngành tất cả lĩnh vực tại các cửa khẩu lớn, có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều để tránh tình trạng một mặt hàng phải qua nhiều cơ quan kiểm tra. Đồng thời rà soát và hủy bỏ ngay những văn bản chồng chéo, bất cập hiện nay” - ông Thắng kiến nghị.
 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.