Nhà từ 700 triệu bị đánh thuế tài sản?

Bộ Tài chính hôm qua (13-4) tổ chức họp báo chuyên đề, thông tin về đề xuất dự án Luật Thuế tài sản mà bộ này sẽ trình lên Chính phủ để Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2018 và thông qua vào năm 2019, có hiệu lực năm 2020.

Nhà 700 triệu là phải nộp thuế

Điểm đáng chú ý tại dự thảo luật này là thay vì đánh thuế với nhà thứ hai như một số ý kiến nêu trước đó, Bộ Tài chính lại đề xuất áp dụng với mọi chủ sở hữu nhà gồm căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng với thuế suất là 0,4%.

Cụ thể, ông Phạm Đình Thi (Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo hai phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỉ đồng.

Bộ Tài chính dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%, Philippines 1% và 2%. Hai phương án thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.

Với tất cả phương án trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng để “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo là nguồn thu ổn định, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách”.

Với căn hộ chung cư, giá để tính thuế theo dự án Luật Thuế tài sản là giá tính theo diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất hoặc trên quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc hợp đồng giao đất.

Trong khi đó, với đất sẽ có hai phương án xác định giá để tính thuế. Phương án 1 là theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Phương án 2 là tính theo giá 1 m2 đất trên thị trường tại thời điểm tính thuế.

Bộ Tài chính cũng đề xuất đối với đất sử dụng không đúng mục đích sẽ áp dụng mức thuế suất 1% để hạn chế tình trạng đầu cơ, tránh lãng phí. Đất lấn chiếm có thể chịu thuế 2%.

Các đối tượng bị đề xuất đánh thuế tài sản là đất, nhà ở và du thuyền, máy bay, ô tô... Ảnh: HOÀNG GIANG

Tác động mạnh đến người dân, doanh nghiệp

Ông Phạm Đình Thi (Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế) giải thích thêm: Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt thì diện tích nhà ở bình quân 25 m2/người.

Như vậy, gia đình có bốn người thì diện tích bình quân cho một hộ gia đình khoảng 100 m2 nên diện tích dưới 100 m2 sẽ không phải nộp thuế, còn trên 100 m2 sẽ phải nộp thuế.

Tính theo nguyên tắc này, nhiều nhà ở nông thôn có thu nhập thấp sẽ phải nộp thuế. Do đó, Bộ Tài chính xác định tính thuế nhà theo giá trị để không tác động đến người ở khu vực nông thôn và có thu nhập thấp.

Hơn nữa, căn cứ vào giá xây dựng thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2. Như vậy, giá xây dựng mới của căn nhà 100 m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.

“Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tính thuế trên giá trị nhà: từ 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỉ đồng, song chúng tôi nghiêng về phương án đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên thì đánh thuế trên phần vượt. Như nhà có giá trị xây dựng 1,2 tỉ đồng thì chỉ phải tính thuế số 500 triệu đồng còn lại”.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận nhược điểm của các phương án này là tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là những người dù có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế.

Dự kiến thu được thấp nhất là 22.000 tỉ

Bộ Tài chính cho biết: Với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỉ đồng, hoặc khoảng 23.300 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỉ đồng, hoặc khoảng 31.000 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Ngoài thuế đối với nhà ở, Bộ Tài chính còn đề nghị ô tô có giá trị trên 1,5 tỉ đồng cũng thuộc đối tượng chịu thuế tài sản với mức thuế 0,3% hoặc 0,4%.

Dạng “nghĩa trang Vĩnh Hằng” cũng phải nộp thuế

Trả lời báo chí, đại diện Bộ Tài chính cho hay Việt Nam thì ai cũng phải có nhà để ở vì nhà là nhu cầu thiết yếu. Và vì thế, Luật Thuế tài sản sẽ tác động đến mọi người trong xã hội. Tuy nhiên, Luật Thuế tài sản chỉ nhằm “điều tiết một phần nhỏ” thu nhập và tài sản của người dân.

Điều này thể hiện qua việc căn cứ để đánh thuế nhà, đất không theo giá thị trường mà theo bảng giá của UBND tỉnh công bố hằng năm theo Luật Đất đai. “Với nhà, chúng ta không lấy giá nhà thực tế để đánh thuế mà lấy giá trị suất đầu tư mà Bộ Xây dựng ban hành” - ông Phạm Đình Thi cho hay.

Khi báo chí đặt câu hỏi: Với một mảnh đất 100 m2, có căn nhà dưới 1 tỉ, vậy thuế tài sản nếu có hiệu lực sẽ đánh như thế nào, ông Thi giải thích: Tùy từng khu vực. Ví dụ nếu ở Hà Nội, giá đất có thể tới 162 triệu đồng/m2 thì mức thuế khoảng 10.000 đồng/m2. Nhưng nếu cũng đất, nhà đó ở vùng sâu vùng xa thì lại chẳng phải nộp thuế.

Giải thích với báo chí về việc biệt phủ, biệt thự hoặc nhà có thể trị giá hàng triệu USD nhưng người ở không có đủ điều kiện nộp thuế thì giải quyết ra sao, ông Thi nói: Với những trường hợp như vậy thì sẽ cho nợ thuế. Bởi theo ông Thi, thực tế là có những cán bộ về hưu có thể thừa kế tài sản hoặc do con cái, anh em ở nước ngoài gửi tiền về mua nhà thì họ sẽ ở trong những căn nhà, biệt thự cả triệu USD.

“Tuy vậy, thu nhập của họ chỉ đủ trang trải cuộc sống, không có điều kiện nộp thuế thì họ sẽ được cho nợ thuế” - ông Thi nói.

Trả lời câu hỏi liệu thuế tài sản sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản thế nào, ông Thi nhận định: Với thuế suất rất thấp, vào khoảng 0,3% như đề xuất, chắc chắn tác động của loại thuế này đối với thị trường bất động sản là không cao.

“Nếu có nhiều nhà ở vị trí đắc địa thì phải nộp thuế cao nhưng cũng có khi nộp vài chục nghìn, có khi vài triệu. Một căn nhà 100 m2 ở phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội mỗi năm cho thuê thì thu nhập cũng cao” - ông Thi ví dụ.

Một vấn đề khác là vấn đề nhà, đất thừa kế thì tính thuế ra sao. Ông Thi khẳng định rằng: Với thuế suất như trong đề nghị dự thảo luật, tác động không đáng kể, bởi đúng như mục đích của dự luật là chỉ điều tiết một phần nhỏ tài sản.

Vấn đề loại nhà, đất nào không phải nộp thuế cũng là chủ đề nóng. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, các loại đất phải chịu thuế tài sản gồm: đất ở (cả ở nông thôn và đô thị), đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Đất nông nghiệp nếu được sử dụng vào mục đích kinh doanh thì sẽ phải chịu thuế này. “Nhưng nếu nghĩa trang, nhà hỏa táng có kinh doanh như nghĩa trang Vĩnh Hằng... vẫn là đối tượng chịu thuế” - ông Thi nói.

Đánh thuế vì đóng góp ngân sách còn thấp

Thuyết minh cho việc Bộ đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản, ông Thi cho biết: Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỉ lệ trung bình 3%-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỉ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỉ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỉ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2% GDP.

Ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.

Không đánh thuế căn nhà thứ hai

Tại cuộc họp báo, Bộ Tài chính cũng cho biết lý do không đề xuất đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ hai trở đi như nhiều ý kiến đề xuất trước đó vì có một số nhược điểm. Thứ nhất, cách làm này không đảm bảo công bằng bởi có trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có hai căn nhà, mỗi nhà 50 m2 lại bị ảnh hưởng. Hơn nữa, đánh thuế với căn nhà thứ hai sẽ khó khăn trong triển khai thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở.

Thực tế tại Việt Nam, các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó việc xác định sở hữu nhà thứ hai trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.              

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm