Đầu năm 2007, ông Châu Văn Dũng (ngụ xã Hòa Tân, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) mua trúng đấu giá sáu công đất ruộng ở cùng xã do Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Cà Mau bán đấu giá. Ông Dũng đã trả đủ tiền và trong năm 2007 cơ quan THA đã cưỡng chế, buộc ông Trương Văn Sáng (người phải THA) giao tài sản cho ông. Nhưng sau đó ông Sáng bất ngờ chiếm lại toàn bộ thửa đất để tiếp tục canh tác.
“Không phải trách nhiệm cơ quan tôi”
Thời điểm đó, Công an xã Hòa Tân đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính ông Sáng 300.000 đồng về hành vi lấn chiếm đất đai. Năm 2008, ông Sáng tiếp tục tái phạm, công an xã lại lập biên bản và chuyển hồ sơ lên Công an TP Cà Mau đề nghị khởi tố hình sự. Nhưng cũng từ đó vụ việc bị chựng lại.
Năm 2014, ông Dũng có đơn gửi Công an TP Cà Mau yêu cầu khởi tố ông Sáng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tháng 1-2015, cơ quan này thông báo cho ông Dũng rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình và hướng dẫn ông đến cơ quan THA vì “Tài sản mua đấu giá từ THA, ông Dũng chưa nhận được tài sản thì THA phải tổ chức giao đúng hợp đồng”.
Tuy nhiên, cơ quan THA cùng cấp từ chối giải quyết vì cho rằng họ đã bàn giao đất xong, hồ sơ THA đã đóng lại nên trách nhiệm không thuộc THA nữa.
Ông Dũng gửi đơn đến nhiều cơ quan khác nhưng đến nay vẫn chưa ai giải quyết. VKSND TP Cà mau, VKSND tỉnh và Công an tỉnh Cà Mau từng cho rằng thẩm quyền giải quyết là của Công an TP Cà Mau. Tuy nhiên, khi họp liên ngành thì Công an TP Cà Mau vẫn bảo lưu quan điểm là không phải chuyện của mình.
Ông Châu Văn Dũng không biết phải gõ cửa cơ quan nào mới được bảo vệ quyền lợi của mình. Ảnh: TRẦN VŨ
Phải xin ý kiến tòa tối cao
Các cơ quan khác như Ban Nội chính tỉnh ủy, công an, VKSND, TAND, Sở Tư pháp, Sở TN&MT… cũng đã họp liên ngành để xác định thẩm quyền trách nhiệm nhưng cuối cùng vẫn không thống nhất được. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng ông Dũng nên khởi kiện ông Sáng ra tòa đòi đất và dẫn chứng đã có trường hợp tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết.
Tháng 7-2015, TAND tỉnh Cà Mau có văn bản thỉnh thị ý kiến của chánh án TAND Tối cao và các cơ quan chuyên môn. Công văn nêu rõ: Tại tỉnh Cà Mau xảy ra nhiều trường hợp người chủ cũ chiếm lại đất canh tác, sử dụng sau khi đã THA nhưng các cơ quan ở tỉnh không xác định được cơ quan nào có trách nhiệm và thẩm quyền để xử lý người vi phạm...
Ngày 27-6, trao đổi qua điện thoại, ông Hà Thanh Hùng, Chánh án TAND tỉnh Cà Mau, cho biết đến thời điểm này TAND Tối cao vẫn chưa có công văn phúc đáp chính thức. “Nhưng qua trao đổi thì TAND Tối cao cho biết một số tỉnh khác cũng gặp phải trường hợp tương tự nhưng hiện chưa có hướng dẫn xử lý thống nhất” - ông Hùng thông tin thêm.
Phạt hành chính, tái phạm thì xử hình sự
Vậy cơ quan nào mới có thẩm quyền giải quyết vụ việc và giải quyết như thế nào?
TS nguyễn Văn Tiến - giảng viên ĐH Luật TP.HCM và ông Phạm Công Hùng - nguyên thẩm phán TAND Tối cao cùng nhận định trách nhiệm của cơ quan THA đã hết kể từ khi ông Dũng được sang tên và các bên ký vào biên bản cưỡng chế giao đất. Như vậy, nếu phát sinh việc ông Sáng tự ý chiếm lại đất thì thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan hành chính địa phương, cụ thể là của công an hoặc UBND xã. Theo đó, chủ tịch UBND xã có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính.
Theo TS Tiến, việc Công an xã Hòa Tân xử phạt hành chính ông Sáng về hành vi lấn chiếm đất đai là có cơ sở. Bởi đây không phải là tranh chấp đất thông thường mà là hành vi ngang nhiên chiếm lại đất đã thuộc quyền sử dụng của người khác. Tuy nhiên, trong quyết định xử phạt hành chính nên áp dụng hình phạt phụ là áp dụng biện pháp cưỡng chế ông Sáng chấm dứt hành vi vi phạm (canh tác trái phép trên đất người khác). Như vậy, công an xã có cơ sở thực hiện hai nội dung trong một quyết định hành chính mà không cần đến biện pháp hình sự.
Đồng tình, ông Phạm Công Hùng chỉ rõ: Nếu ông Sáng tiếp tục vi phạm thì xử phạt nặng hơn, lúc này thẩm quyền thuộc chủ tịch UBND huyện. Cuối cùng, nếu ông Sáng vẫn không chấp hành thì mới đề nghị xử lý hình sự, UBND huyện là cơ quan có quyền kiến nghị công an cùng cấp xử lý. Lúc này công an sẽ không còn lý do từ chối trách nhiệm nữa mà có thể xử lý ông Sáng về tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 142 BLHS. Bởi quyền sử dụng đất trong trường hợp này được coi là tài sản hợp pháp của ông Dũng.
Một vụ tương tự từng bị khởi tố Vợ chồng ông Tạ Văn Đùa (Châu Thành, Tây Ninh) phải THA và bị Chi cục THA huyện kê biên, bán đấu giá căn nhà và cưỡng chế giao nhà cho ông T. (người mua trúng đấu giá) vào tháng 7-2011. Thấy ông T. khóa cửa nhà để không trong khi mình đang bí bách chỗ ở, vợ chồng ông Đùa đã phá khóa vào nhà ở lại. Ông T. tố cáo, sau đó hai vợ chồng ông Đùa bị khởi tố, truy tố về tội không chấp hành án, sau đổi sang tội sử dụng trái phép tài sản. tháng 5-2015, VKSND cùng cấp đã áp dụng khoản 1 Điều 25 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự cho hai vợ chồng ông Đùa vì hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, không gây thiệt hại và hoàn cảnh cả hai nghèo khó, nhận thức hạn chế. |