Tài xế bẻ lái cứu nữ sinh không bồi thường có bị khởi tố?

Anh Đỗ Văn Tiến, tài xế bẻ lái cứu hai nữ sinh cho biết sau khi đạt được thỏa thuận bồi thường dân sự, hai bên sẽ cùng tới Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) để được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Trước đó, khi chủ xe Toyota không chịu nhận tiền bồi thường, trên mạng xã hội có dư luận cho rằng anh Tiến sẽ gặp bất lợi, có thể phải đi tù. Cụ thể: Nếu cơ quan công an xác định anh có lỗi và gây thiệt hại trên 100 triệu đồng, ngoài việc phải bồi thường trách nhiệm dân sự như bị hại yêu cầu thì anh còn có thể phải chịu án treo đến ba năm hoặc phạt tù từ một đến năm năm về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 260 BLHS hiện hành. Trường hợp cơ quan công an xác định anh Tiến có lỗi nhưng chủ xe Toyota đứng ra xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) thì anh Tiến sẽ chỉ phải bồi thường thiệt hại…

Tài xế bẻ lái cứu nữ sinh không bồi thường có bị khởi tố? ảnh 1
Anh Tiến và chiếc xe bảy chỗ Toyota

Nhận định trên có chuẩn xác hay không? Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự hiện hành quy định như thế nào?
Có thể nói ngay theo quy định hiện hành, việc bồi thường hay không bồi thường không phải là yếu tố định tội trong tội danh vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bởi lẽ theo Điều 155 BLTTHS 2015 thì đây không phải là tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, việc xác định anh Tiến có tội hay không, có bị truy cứu TNHS hay không phải chờ vào kết quả xác minh, điều tra của cơ quan công an.

Trường hợp thứ nhất: Nếu cơ quan công an xác định anh Tiến có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội này thì cơ quan công an sẽ khởi tố không phụ thuộc vào việc bị hại có yêu cầu khởi tố hay có bãi nại hay không. Lúc này, việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ để tòa án cân nhắc khi quyết định hình phạt.

Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 29 BLHS hiện hành, người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS thì có thể được miễn TNHS.

Ở đây, hành vi của anh Tiến nếu bị cơ quan công an xác định là tội phạm thì anh sẽ bị xử lý theo khoản 1 Điều 260 BLHS hiện hành (gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng). Mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại điều khoản này là năm năm tù. Lỗi của người phạm tội này là vô ý và đây là tội phạm nghiêm trọng theo Điều 9 BLHS hiện hành. Như vậy, nếu anh Tiến được phía bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS thì anh có thể được CQĐT, VKS miễn TNHS. Lưu ý, quyền quyết định miễn TNHS hay không trong trường hợp này vẫn thuộc về CQĐT, VKS vì luật chỉ quy định từ "có thể". 

Trường hợp thứ hai: Nếu cơ quan công an xác định hành vi của anh Tiến không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì lúc này quan hệ giữa anh Tiến với chủ xe ô tô chỉ là quan hệ dân sự. Nếu hai bên không thống nhất, thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì có thể khởi kiện dân sự ra tòa án để tòa phân xử.

Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 29-3, trên đường 359C (đoạn qua xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), tài xế Đỗ Văn Tiến (SN 1977) điều khiển xe tải mang BKS 15C-010.14 chở đá theo hướng quốc lộ 10 về thị trấn Núi Đèo. Đúng lúc xe chạy đến trước cửa nhà nghỉ Đức Việt thì bất ngờ 2 nữ sinh đi trên xe máy bị va chạm một phương tiện khác đã ngã ra làn đường ô tô.

Theo phản xạ, anh Tiến đánh lái để tránh đâm vào hai cô gái. Tuy nhiên, cú đánh lái quá gấp đã khiến chiếc xe tải chở đá va chạm với hai ô tô đỗ bên đường (một chiếc Kia và một chiếc Toyota) rồi bị lật ngang.

Chiếc Toyota bị hư hỏng nặng, dự tính chi phí đền bù lên đến 245 triệu đồng. Tài xế Tiến bị thương, gãy hai xương sườn. Hiện chiếc xe tải do anh Tiến lái cũng đang bị cơ quan công an tạm giữ.

Điều 29 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự:

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.” 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm