Thông tin trái chiều về cái chết của người mua mì mót

Chiều 23-8, trả lời PV Pháp Luật TP.HCM, ông Tạ Châu Lâm (Chủ tịch UBND huyện Tân Châu) cho biết vụ bà Nguyễn Thị Bích (52 tuổi, ngụ ấp Hội Thanh, xã Tân Hội) tử vong khi đoàn kiểm tra của xã Tân Hội đến làm việc vẫn đang được công an tỉnh điều tra, làm rõ.

Chủ tịch huyện: Sẽ không bao che

“Hiện CQĐT chưa có yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với ai trong đoàn kiểm tra liên ngành. Quan điểm của tôi là mọi hành vi sai phạm nếu có đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, không bao che” - ông Lâm nói.

Chúng tôi cũng đến UBND xã Tân Hội, gặp chủ tịch UBND xã là ông Hoàng Ngọc Phương để đặt vấn đề làm việc về những hoài nghi của dư luận đối với cái chết của bà Bích. Lúc đầu ông Phương nói mình… không phải là chủ tịch xã và bỏ đi, sau đó ông Phương ủy quyền cho một phó chủ tịch xã trả lời.

Vị phó chủ tịch xã này cho biết chỉ được ủy quyền để trả lời rằng vụ việc đang được điều tra làm rõ, đồng thời từ chối hàng loạt câu hỏi chúng tôi đặt ra như: Đoàn kiểm tra việc thu gom củ mì mót có được thành lập theo chương trình, kế hoạch theo quy định hay không? Điểm thu gom mì mót tại nhà bà Bích có dấu hiệu sai phạm gì không? Chính quyền có hỏi thăm, chia sẻ gì với gia đình bà Bích sau cái chết của bà hay không?

Vì phó chủ tịch xã không trả lời nên chúng tôi phải tiếp tục liên hệ với chủ tịch xã bằng số điện thoại dán công khai tại trụ sở UBND xã nhưng ông không nghe máy.

Hiện trường nơi gia đình nói bà Bích bị xô ngã. Ảnh: PL

Tự ngã hay bị xô ngã?

Như báo chí đã thông tin, chiều 15-8, đoàn kiểm tra liên ngành của xã Tân Hội do ông Dương Quý Hà (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội) làm trưởng đoàn đến kiểm tra điểm thu mua củ mì mót của bà Bích. Bà Bích xuất trình một giấy phép kinh doanh mang tên người khác, đoàn kiểm tra cho rằng không hợp lệ nên lập biên bản. Từ đây hai bên cự cãi. Sau đó, bà Bích chết do bị ngã ngửa, đập đầu vào nền nhà.

Trước đây, Đại tá Nguyễn Tri Phương (Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh) đã thông tin cho Pháp Luật TP.HCM biết rằng ông nghe cấp dưới báo cáo là gia đình bà Bích cản trở đoàn kiểm tra, sau đó bà vấp ngã. Công an và chính quyền địa phương đến nói chuyện với gia đình. Gia đình cũng đồng thuận không có việc một thành viên trong đoàn kiểm tra xô bà Bích ngã. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình làm thủ tục mai táng cho bà Bích.

Tuy nhiên, theo đơn tố cáo mà gia đình bà Bích gửi cho Pháp Luật TP.HCM thì nguyên nhân cái chết của bà lại hoàn toàn khác. Theo đó, việc bà Bích bị ngã ngửa, đập đầu xuống nền xi măng trong bếp của mình là do một thành viên trong đoàn kiểm tra xô ngã. Sau cái chết của bà Bích, không có đại diện chính quyền địa phương đến hỏi thăm, chia sẻ hay hỗ trợ gì.

Giám đốc Công an tỉnh đang chờ nghe báo cáo

 Chiều 23-8, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ Đại tá Nguyễn Tri Phương (Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh) để cung cấp những thông tin trái ngược hoàn toàn với thông tin mà ông nghe cấp dưới báo cáo lên. Đại tá Phương cho biết đang họp và nói: “Tôi vẫn đang chờ nghe báo cáo kết luận từ CQĐT. Khi có kết quả điều tra thì mới có thể đưa ra quyết định xử lý cuối cùng”. 

“Chính mắt con trông thấy”

Trước các thông tin mâu thuẫn trên, chúng tôi đã trực tiếp đến gia đình bà Bích chia buồn, thăm hỏi và tìm hiểu.

Tại nhà bà Bích, theo quan sát, hiện trường nơi bà bị ngã là khoảng sân nơi bà đặt bếp nấu đồ ăn bán cho khách. Sân nền gạch và xi măng cao rộng rãi, khô ráo, là nơi buôn bán, không trơn trượt, không ẩm thấp. Vệt máu dài rộng còn in rõ trên nền bếp, vẫn còn nguyên màu máu.

Người nhà bà Bích kể sau khi một công an viên của đoàn kiểm tra xã xô ngã bà Bích khiến bà đập đầu xuống nền xi măng và chảy máu đầu, có ba người đàn ông trong đoàn kiểm tra bỏ chạy. Thành viên nữ duy nhất trong đoàn kiểm tra tên là Trang ở lại phụ ẵm bà Bích vào giường. Máu từ sau đầu bà chảy ướt đẫm áo khoác của cô Trang. Chiếc áo này hiện vẫn còn ở nhà bà Bích.

Ông Nguyễn Văn Nhi (Bí thư ấp Hội Thanh, gọi bà Bích là dì Mười) cho biết bà Bích gọi ông thông báo có đoàn kiểm tra đến. Ông nói “Dì cứ đem giấy phép kinh doanh ra trình”. Sau khi xem qua, đoàn kiểm tra cho rằng giấy phép này không hợp lệ do bà Bích không đứng tên, địa điểm kinh doanh trong giấy không trùng với vị trí thực tế. Đoàn yêu cầu lập biên bản, thu hồi giấy phép. Bà Bích không đồng ý, giật lại. “Lúc này, người mặc áo công an đi trong đoàn liên ngành dọa cho xe máy cày vô hốt mì đem về xã. Hai bên cự cãi. Tôi không trực tiếp thấy cảnh xô đẩy. Người chứng kiến cảnh công an viên xô dì Bích ngã là chồng và con của dì Bích” - ông Nhi nói.

Ông Châu Văn Tài (chồng bà Bích) bức xúc: “Đoàn kiểm tra đòi lập biên bản, vợ tôi mới nói “Mua mì mót thôi chứ có phải bán á phiện ma túy gì đâu mà làm dữ vậy”. Tự nhiên nó vô nó xô bả té bật ngửa ra luôn. Tôi thấy anh công an viên xô vợ tôi té bật ngửa nên tôi mới lấy dao gí... Lúc này cháu ngoại tôi khóc la quá nên tôi mới quay vô nhà. Vợ tôi bình thường khỏe mạnh, đảm đang việc trong việc ngoài. Không bệnh tật, không tim mạch hay đột quỵ bao giờ”.

Cháu Châu Thị Minh Thư (con gái 12 tuổi của bà Bích) kể em đang ngồi học bài thì nghe xô xát nên chạy ra ngoài. “Chính mắt con trông thấy chú công an ốm đen là người đưa hai tay lên vai mẹ và xô mẹ ngã bật ngửa” - cháu ứa nước mắt kể.

Bữa cơm chiều dang dở

Con đường đất vòng vo dài hơn 10 km từ trụ sở UBND xã Tân Hội vào đến nhà bà Bích ở ấp Hội Thanh đi ngang qua các rẫy mì bạt ngàn. Nhiều người dân nghèo nơi đây sống bằng nghề mót các củ mì còn sót lại sau các kỳ thu hoạch.

Cũng như nhiều người dân địa phương khác, bà Nguyễn Thị Bích làm thêm nghề thu gom củ mì mót thuê cho các đại lý để kiếm tiền chợ nuôi con gái nhỏ và hai đứa cháu ngoại. Tuy nhiên, nghề chính đem lại thu nhập cho cả nhà bà vẫn là bán hủ tiếu cho những người thợ ăn trước khi đi cạo mủ cao su, công việc mà bà bắt đầu từ lúc nửa đêm.

Chiều 15-8, bà Bích tay còn dở dang nấu nồi gà kho cho cả nhà ăn thì cái chết bất ngờ ập đến vì bà ngã chấn thương sọ não, xuất huyết não trong lúc cự cãi với đoàn kiểm tra của xã. Đám ma của bà, gia đình ghi nhận sổ tang đến hơn 700 lượt người viếng.

Từ đây, xóm giềng thân thiết không còn thấy khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười thân quen của bà. Chồng bà thức giấc lúc nửa đêm để đi cạo mủ, nhìn ra phía bếp. Chỗ đó, nhắm mắt lại, ông vẫn thấy bếp lò đỏ lửa, vợ ông lúi húi nêm nếm nồi nước lèo, phi hành mỡ, mùi thơm dậy trong sương khuya. Chỗ đó từng đông đúc người chờ được ăn tô hủ tiếu vợ ông nấu…

Buổi trưa hôm qua, con gái bà đi học lớp 7 về, chỉ tay vào quầy bếp: “Mẹ con thường đứng đây nấu đồ bán cho khách”. Nói rồi em lặng lẽ nhìn ra cái võng mà mẹ hay nằm và chảy nước mắt…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm