Hàng triệu người ký đơn xin đại cử tri bầu Clinton

Chiến thắng của ông Donald Trump vẫn là viên thuốc cay đắng quá khó nuốt với rất, rất nhiều người Mỹ và hàng triệu người vẫn đang nỗ lực tìm cách đảo ngược kết quả, theo Reuters.

Tính đến chiều 11-11 (giờ Mỹ), đã có hơn 2,4 triệu người ký vào một lá đơn trên trang web Change.org thỉnh cầu các thành viên trong Đại Cử tri đoàn bỏ qua kết quả bầu cử vừa rồi và trực tiếp bỏ phiếu bầu cho bà Hillary Clinton làm tổng thống.

“Ông Trump không thích hợp làm tổng thống. Sự bốc đồng, thái độ bắt nạt, dối trá, có lịch sử tấn công tình dục mà ông ấy đã thừa nhận và không có kinh nghiệm của ông ấy sẽ làm hại đất nước” - TS Elijah Berg viết trên Change.org.

Theo TS Berg, cư dân bang North Carolina - bang ông Trump thắng trong kỳ bầu cử vừa rồi, Đại Cử tri đoàn có thể trao quyền chủ nhân Nhà Trắng cho một ứng cử viên khác và nên sử dụng quyền “phi dân chủ cao nhất” của mình để đảm bảo một “kết quả dân chủ”.

“24 bang ràng buộc các đại cử tri. Nếu các đại cử tri bầu ngược lại đảng của mình, họ sẽ phải trả giá. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bang không có luật quy định điều này, các đại cử tri có thể bầu cho ứng cử viên nào mình muốn” - theo TS Berg.

Triệu triệu người ký đơn xin đại cử tri bầu Clinton. Biểu tình phản đối ông Trump ở Oakland (California) tối 9-11.

Triệu triệu người ký đơn xin đại cử tri bầu Clinton. Biểu tình phản đối ông Trump ở Oakland (California) tối 9-11. Ảnh: REUTERS

Tương tự, một đơn thỉnh cầu khác trên trang Faithlessnow.com cũng kêu gọi hơn 160 đại cử tri Cộng hòa thu lại phiếu bầu của mình ở các bang không có luật bắt buộc họ phải bầu cho ứng cử viên Cộng hòa như ở Arizona, Arkansas, Georgia, Indiana, Iowa, Kansas, Kentucky, Louisiana, Missouri, North Dakota, Pennsylvania, Tennessee, Texas, Utah, West Virginia. Đơn thỉnh cầu này còn đưa ra một danh sách các đại cử tri có thể làm điều này.

Bà Clinton và cả ông Trump từng muốn giải tán Đại Cử tri đoàn

Kể từ năm 2000 đến nay, bà Clinton là ứng cử viên tổng thống đầu tiên dù thua cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng thắng ở đầu phiếu phổ thông.

Chưa rõ thái độ bà Clinton thế nào. Nhớ lại năm 2000, ứng cử viên Dân chủ Al Gore thua số phiếu đại cử tri về tay ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush. Trong lúc người Mỹ đang chờ kết quả kiểm phiếu xem ông Bush hay ông Gore thắng 25 phiếu đại cử tri ở bang Florida thì bà Clinton lúc đó vốn là đệ nhất phu nhân đã lên tiếng đề nghị giải tán Đại Cử tri đoàn.

“Nước Mỹ của chúng ta bây giờ khác rất nhiều so với nước Mỹ 200 năm trước. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng trong một nền dân chủ, chúng ta nên tôn trọng ý muốn của mọi người. Và với tôi giờ là lúc nên giải tán Đại Cử tri đoàn và bầu cử phổ thông để chọn tổng thống”.

Và thật ra ông Trump cũng từng kêu gọi bãi bỏ hình thức Đại Cử tri đoàn. Trước đêm bầu cử tổng thống năm 2012 giữa đương kim Tổng thống Obama và đối thủ Cộng hòa Mitt Romney, ông Trump đã tuyên bố Đại Cử tri đoàn là “một thảm họa đối với dân chủ”.

Sau cuộc bầu cử năm 2012 đó, trong một bài viết đưa lên mạng - sau này đã xóa - ông Trump đã chỉ trích sự giả dối của Đại Cử tri đoàn đã khiến ông Romney thua cuộc, rằng ông nghĩ ông Romney chiếm ưu thế hơn ông Obama ở đầu phiếu phổ thông.

Năm 2013, Gallup đã có cuộc thăm dò xem Mỹ có cần thông qua luật hủy bỏ Đại Cử tri đoàn hay không. Và 63% nói cần.

Vậy Đại Cử tri đoàn chính xác là gì? Trong ngày bầu cử 8-11, người dân Mỹ thực tế không bầu trực tiếp tổng thống mà họ chọn số đại cử tri trong bang. Tổng cộng Đại Cử tri đoàn có 538 đại cử tri ở tất cả bang. Mỗi một bang có một số lượng đại cử tri khác nhau. Nếu ứng cử viên nào đạt được số phiếu phổ thông người dân Mỹ đi bầu cao nhất trong bang đó thì sẽ thắng toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó.

Ngày 19-12, 538 đại cử tri trong Đại Cử tri đoàn sẽ bỏ lá phiếu của mình và chọn vị tổng thống mới của nước Mỹ. Cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri này chỉ còn là hình thức.

Tại sao lại có Đại Cử tri đoàn?

Hình thức bầu cử này được quy định trong Hiến pháp Mỹ vì hai lý do.

Thứ nhất, những người thiết kế ra hình thức bầu cử này muốn xem Đại Cử tri đoàn như một vùng đệm giữa các khu vực bầu cử và chức tổng thống. Họ lo ngại sẽ có cá nhân mị dân, thao túng người dân dẫn đến thao túng kết quả bầu cử và các đại cử tri thận trọng, sáng suốt có thể ngăn chặn điều này xảy ra. Nói cách khác, Đại Cử tri đoàn được xem là bước kiểm soát toàn thể công dân Mỹ.

Lễ ký thông qua Hiến pháp Mỹ năm 1787 giữa George Washington, Benjamin Franklin và Thomas Jefferson.

Lễ ký thông qua Hiến pháp Mỹ năm 1787 giữa George Washington, Benjamin Franklin và Thomas Jefferson. Bức họa sơn dầu của họa sĩ Howard Chandler Christy thực hiện năm 1940, đang được treo ở tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Thứ hai, Đại Cử tri đoàn được thành lập từ sự thỏa hiệp với các bang nhỏ hơn, nhằm đảm bảo các bang này không bị lờ đi trong bản đồ bầu cử. Mỗi bang bên cạnh có một số lượng hạ nghị sĩ tỉ lệ thuận với dân số trong bang thì đều có hai thượng nghị sĩ. Mỗi một thượng nghị sĩ đều tương ứng một số lượng phổ thông đầu phiếu giống nhau ở các bang, bất kể bang lớn hay bang nhỏ. Vì vậy có thể nói lá phiếu phổ thông ở các bang nhỏ thậm chí có sức mạnh hơn cả lá phiếu phổ thông ở các bang lớn.

Một lý do nữa, theo một số sử gia thì vấn đề nô lệ cũng là một yếu tố dẫn đến xuất hiện hình thức Đại Cử tri đoàn. Các bang miền Nam vốn nhiều nô lệ lo ngại nếu bầu cử trực tiếp - một người (da trắng, chủ đất) một lá phiếu - thì sẽ bị thất thế về chính trị, vì các nô lệ không có quyền bỏ phiếu. Nhưng nếu các bang này được quyền gom cả dân số nô lệ vào để xác định số đại cử tri và số nghị sĩ thì sẽ có quyền lợi chính trị cao hơn. Chính vì lý do này mà đã xuất hiện Thỏa hiệp 3/5 - nghĩa là một nô lệ được tính là 3/5 của một người và cứ theo đó mà tính toán số đại cử tri và nghị sĩ đại diện.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm