Nhật và Trung Quốc o bế Ấn Độ

Báo Times of India (Ấn Độ) ghi nhận tháng 9 tới sẽ là tháng ngoại giao sôi động của Ấn Độ với năm chuyến thăm cấp cao.

Đầu tháng 9, tân Thủ tướng Narendra Modi sang Nhật dự cuộc gặp song phương hằng năm với Thủ tướng Shinzo Abe. Kế tiếp, ông sẽ đón Thủ tướng Úc Tony Abbott và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giữa tháng 9, Tổng thống Pranab Mukherjee sang thăm Việt Nam. Cuối tháng, ông Narendra Modi tiếp tục sang Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Ấn.

Theo báo Mint (Ấn Độ), hai sự kiện đáng chú ý là chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Narendra Modi và chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhật và Trung Quốc đang tìm cách o bế Ấn Độ giữa lúc hai nước này căng thẳng vì tranh chấp biển Hoa Đông. Thủ tướng Narendra Modi đã hoãn chuyến thăm Nhật hồi đầu tháng 7 và đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị khối BRICS tại Brazil.

Thủy phi cơ US-2 của lực lượng phòng vệ Nhật. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NHẬT

Dù vậy, GS Srikanth Kondapalli ở ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) ghi nhận chính phủ mới ở Ấn Độ đã phát tín hiệu sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc qua động thái mời người đứng đầu “chính phủ lưu vong” của Tây Tạng dự lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Narendra Modi.

GS Srikanth Kondapalli cho rằng chuyến thăm Nhật sắp tới của thủ tướng Ấn Độ sẽ mang lại nhiều kết quả hơn. Dự kiến hai bên sẽ đạt được thỏa thuận Nhật chuyển giao công nghệ hạt nhân dân sự cho Ấn Độ. Hai bên cũng sẽ thảo luận về các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ, đặc biệt là hai tuyến đường sắt cao tốc Bangalore-Chennai và Ahmedabad-Mumbai.

Ấn Độ đang đàm phán mua thủy phi cơ US-2 của Nhật. Nhật có thể quyết định để Ấn Độ sản xuất một số bộ phận của US-2. Đây sẽ là bước đột phá quan trọng trong hợp tác quốc phòng.

Hãng tin Kyodo (Nhật) nhận định nếu thương vụ US-2 thành công, Nhật có thể thúc đẩy nỗ lực củng cố ngành công nghiệp quốc phòng qua các thương vụ bán thiết bị quốc phòng ra nước ngoài. Mặt khác, quan hệ an ninh vững mạnh hơn với các nước trong khu vực cũng mang lại lợi ích cho Nhật trong khi Trung Quốc hành xử o ép ở các vùng biển châu Á.

Trong bối cảnh đó, như tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 14-8 nhận định, Trung Quốc đang chủ động cài đặt quan hệ lại với Ấn Độ.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị đến Ấn Độ ngay sau khi tân Thủ tướng Narendra Modi cầm quyền. Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN mới đây ở Myanmar, ông Vương Nghị nói Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đang phát triển lớn nhất thế giới đồng thời là láng giềng của nhau; nếu hai nước chung tay hợp tác, thế giới sẽ cân bằng, an ninh và ổn định hơn.

Phép thử thực sự cho quan hệ Ấn-Trung tùy thuộc chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Căn cứ xu hướng ngoại giao của Ấn Độ, dự báo ông Tập Cận Bình sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế và chủ động đề nghị đàm phán giải pháp lâu dài cho vấn đề tranh chấp biên giới. Hai khu vực tranh chấp chính của hai nước là Aksai Chin và Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng). Trung Quốc đang quản lý Aksai Chin trong khi Ấn Độ kiểm soát Arunachal Pradesh.

Tạp chí The Diplomat ghi nhận dù Trung Quốc chủ động tiếp cận Ấn Độ nhưng chính phủ mới ở Ấn Độ sẽ vẫn nghi ngờ ý đồ của Trung Quốc.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm