Đề nghị báo cáo về món nợ Luật Về hội và Luật Biểu tình

Sáng 23-5, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Nhiều ĐBQH nêu ý kiến đến nay Quốc hội vẫn còn “nợ” nhân dân dự án Luật Về hội và Luật Biểu tình...

Tại phiên thảo luận tổ, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu vấn đề Hiến pháp đã hiến định 70 năm rồi nhưng Luật Về hội vẫn chưa làm. Còn với Luật Biểu tình thì từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Thủ tướng đã công khai nói trước Quốc hội mà đến nay vẫn “nhập nhằng mãi, trong khi đó hiện tượng biểu tình thì ngày càng nhiều mà không có luật điều chỉnh làm cho dân không biết đúng hay sai”.

ĐBQH Dương Trung Quốc

Ông kể lại hôm vừa rồi ông xuống Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), dân họ trách vì sao bây giờ mới xuống để cho dân cô độc, còn bị quy là chống đối, họ hỏi người đại diện cho họ đang ở đâu? Theo ông, nếu Quốc hội cứ để Chính phủ trình rồi bàn, đại biểu không trải nghiệm thì hạn chế trong làm luật đương nhiên khó tránh. Vì thế, Quốc hội phải tiến đến chỗ chủ động hơn, dù vai trò của Chính phủ vẫn là quan trọng.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng đặt vấn đề: “Quốc hội đã thảo luận Luật Về hội tại kỳ họp trước, sau đó nói là cần hoàn thiện và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, đến kỳ họp này lại không nói năng gì nữa”.

ĐB Xuyền bày tỏ băn khoăn tương tự đối với dự án Luật Biểu tình và cho rằng đây là dự án luật rất được quan tâm. Biểu tình là quyền công dân được hiến định từ Hiến pháp 1946 đến nay mà vẫn chưa được thể chế hoá, vì không được điều chỉnh nên không ai biết thực hiện thế nào là đúng, thế nào là sai.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Liên quan đến nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: “Luật Về hội, kỳ 3 chưa thấy, kỳ 4 cũng không thấy nói có đưa hay không? Đi trước nhiều nhưng Luật Biểu tình tới nay không thấy nói gì hết. Đề nghị báo cáo để cử tri biết”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc xây dựng thể chế là nhiệm vụ rất nặng nề của QH và các cơ quan nhà nước.Vì vậy, Chính phủ đã chuyển từ sự quan tâm kinh tế-xã hội sang dành nhiều thời gian làm thể chế, tập trung thảo luận những dự án luật, pháp lệnh trình QH và tập trung xây dựng các nghị định để chế hóa các luật, pháp lệnh mà QH đã thông qua.

Đề nghị báo cáo về món nợ Luật Về hội và Luật Biểu tình ảnh 3
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng đánh giá không phải nhà nước pháp quyền là ban hành bao nhiêu luật mà chính là trình độ người làm luật đó cũng như người thông qua luật đó. Do vậy thời gian tới, các cơ quan nhà nước, kể cả QH, Chính phủ, các ủy ban của QH, các bộ, ngành phải tập trung vấn đề xây dựng luật tốt hơn.

Thủ tướng cũng cho biết còn một số luật cần phải cân nhắc kỹ về điều kiện dân trí, hoàn cảnh xã hội. Một số luật bức bách thì phải làm ví dụ như luật về an ninh mạng, an toàn thông tin...

“Những luật nào thiết thực trong cuộc sống thì cần phải làm trước, những cái nào chưa cấp thiết thì làm sau. Những cái nào liên quan đến kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế phải tranh thủ làm sớm. Cái gì chuẩn bị tốt rồi thì làm, chuẩn bị chưa tốt thì tiếp tục hoàn thiện” -  Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy