Làng ăn cá nóc

Xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được mệnh danh là “làng ăn cá nóc”. Xóm nằm lọt thỏm ngoài một mom cát ngoài biển. Cuộc sống của 147 hộ, gần 900 nhân khẩu nơi đây chủ yếu dựa vào 150 chiếc thúng làm nghề câu. Không phát triển được tàu thuyền, một số ngư dân Thanh Thủy đã cầu may để có một mùa no đủ bằng cách… xơi cá nóc độc.

Người lớn: “Ăn cá nóc có lộc”

“Bà con ở đây ăn cá nóc dữ lắm hả anh?”. Nghe hỏi câu này, ông Nguyễn Thanh Tâm - xóm trưởng bộc bạch khiến tôi muốn ngã ngửa: “90% dân Hải Hòa ăn cá nóc. Nói thiệt với anh, mùng sáu tết vừa rồi, mấy anh em lặn lội qua thôn Phước Thiện xách về chùm cá nóc. Đầu năm quây quần trong nhà tôi đánh chén một bữa thiệt ngon”.

Những người dân khác ở Hải Hòa khẳng định: Ăn cá nóc hồi giờ toàn là ăn chung thôi. Cứ 4-5 người xúm nhậu, ít ai ăn riêng một mình. Ăn chung lỡ một người bị thì báo động cho cả làng kéo hết đi cấp cứu.

Làng ăn cá nóc ảnh 1

Làng cá nóc chuyên làm nghề câu thúng. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Cá nóc có nhiều loại như cá nóc nhím, nóc mít, nóc vàng, nóc xanh, nóc thu… Theo người dân Hải Hòa, khoái khẩu nhất là món cá nóc luộc, nấu canh. Nếu ai đánh được nhiều cá nóc thì có thể ăn dần bằng cách kho mặn. Người dân Thanh Thủy chỉ chừa con cá nóc thu, còn gọi là cá nóc xanh, cá nóc hòm. Con cá này chỉ nhìn cũng đủ sợ: đầu vuông như cái hòm người chết, hai mắt luôn thao láo và xanh lét. Cá hòm cực độc, ăn là tiêu. Cũng theo các ngư dân Hải Hòa, muốn ăn cá nóc hòm thì chỉ có cách là xẻ thịt, phơi nắng, sau đó nướng ăn. Còn tất cả các loại cá nóc khác thì cứ lột da, đừng làm dập mật. Nếu dập mật thì tiêu mạng. Không dập mật thì cứ thế đánh chén. Nếu ai sợ chết thì ướp cá vào muối rồi mới đem hấp.

Ngư dân các địa phương khác vẫn liên tục gặp nạn vì xơi cá nóc nhưng ngư dân Hải Hòa thì vẫn dùng nhiều cái lý của mình để vẫn tiếp tục được ăn món cá tử thần. Nhiều người cho rằng cá nóc mắc lưỡi giã cào, do bị đảo lộn dưới miệng giã nên thường bị dập mật. Hoặc con cá hoảng loạn quá nên mật tan ra da. Còn dân Hải Hòa thì chơi toàn nghề câu, cá nóc còn rất sạch.

Nhìn chung dù đưa ra cái lý nào, ngư dân Hải Hòa vẫn đang đùa với tử thần. Truy nguyên nguồn gốc, việc liều mạng ăn cá nóc đều bắt nguồn từ những tay bợm nhậu - chơi chết sợ gì. Lâu ngày, những người dân lành bắt chước ăn theo.

Làng ăn cá nóc ảnh 2

Ông Thức: “Tui không nể cá nóc, ớn vài bữa rồi ăn lại thôi”. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Con nít cũng mê cá nóc

Ăn cá nóc, người dân Thanh Thủy đã nhiều phen chạy nháo nhào vì có người tê tê, say say, cứng lưỡi. Bà con thống kê ông Hiền, ông Dũng Thơ, ông Quá… từng bị say cá nóc. Có gia đình bị ngộ độc một lúc năm người.

Khi có người bị ngộ độc, người dân Hải Hòa chạy nháo nhào để cho uống phương thuốc dân gian. Đó là hái lá rau muống biển giã cho uống nước, lấy xác chà khắp người. Cả làng huy động hết muối hột, muối hầm mang đến. Nạn nhân được đặt xuống đất và chôn trong đống muối cho đến khi tỉnh hẳn. Có ngư dân thoát chết và tiếp tục xơi thịt cá nóc. Mấy chục năm rồi, người dân Hải Hòa luôn coi cá nóc độc là đặc sản.

Người lớn ngồi nhậu cá nóc, trẻ con bám xung quanh và lâu lâu gắp một miếng cho đỡ thòm thèm. Cháu Đỗ Thị Tú Nguyên (9 tuổi) hiện là học sinh lớp 3 thỏ thẻ giọng tội nghiệp: “Dạ cháu ăn cá nóc với ba Hồng được năm lần rồi. Ba đi biển về nói cá nóc ăn bổ như thịt gà. Ba nấu một nồi, má không ăn nhưng con ăn”. Cháu Huỳnh Thị Như Ý (9 tuổi) cũng khoe: Cháu ít hơn bạn, cháu mới ăn một lần. Thịt cá nóc ngon nhất”.

Mấy đứa nhỏ trong đám trẻ nhao nhao: “Mấy chú nói cá nóc ăn vào thông minh và học giỏi lắm”. Nhìn đám trẻ đồng tình chuyện ăn cá nóc giúp học giỏi, tôi chỉ biết than trời. Hóa ra tụi trẻ trong làng không khá hơn - không từ bỏ cá nóc độc mà lại tiếp tục giữ cái danh “làng ăn cá nóc”. Cha ông chúng ăn cá nóc vì bữa nhậu ngon. Còn đối với chúng, cá nóc được nâng cấp lên thành món ăn hảo hạng, thần dược tạo sự thông minh và học giỏi thì thật là tai hại.

Ở xóm Hải Hòa, người dân nhắc đến nhiều biệt danh nghiện cá nóc. Đó là các ngư dân không bỏ sót con nào. Nhiều khi đi dạo ngoài bãi biển, thấy cá nóc chết tấp vào bờ (thường do ngư dân đi lưới sợ cá nóc thả lại xuống biển), nếu thấy cá còn tươi thì mang về nấu ăn, kêu vài người tới nhậu. Ngư dân ở một số vùng thường chỉ lấy một chút thịt ở đuôi cá nóc ăn và bỏ bộ lòng có mật cực độc. Nhưng nhiều ngư dân Hải Hòa chỉ ném bộ lòng, còn đầu đuôi ăn hết, không bỏ cái gì.

Chết vì... món khoái khẩu

Nhưng sáng mùng chín tết vừa qua, tiếng trống thùng thùng giữa xóm vọng ra đã phá tan cái quan niệm “cá nóc đặc sản” của ngư dân vùng này. Ngư dân Lê Châu Trinh tử nạn vì ăn cá nóc độc, đứa con trai sáu tuổi của ông cũng bị ngộ độc và may mắn qua cơn nguy kịch.

Sáng mùng bảy tết, trong phiên mở biển đầu năm, ông Trinh mừng rỡ vì vớ được một con cá nóc bụng vàng to như ếch ương, da lấm chấm vết đen. “Cá nóc đồng nghĩa với chữ no” - không hiểu ai đã nghĩ ra điều này nhưng đối với một số ngư dân Hải Hòa, đây là điềm may năm mới. Ông bảo vợ đi bán cá, còn mình ở nhà chế biến món cá nóc và nấu một nồi canh đánh chén no say.

Làng ăn cá nóc ảnh 3

Mẹ nạn nhân Lê Châu Trinh đau khổ khi con trai tử nạn vì ăn cá nóc độc. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Giữa trưa, ông Trinh gọi vợ đánh gió vì thấy người choáng váng. Thấy ông Trinh sùi bọt mép và cứng lưỡi, gia đình chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện. Đến giờ chót, ông Trinh mới bật ra được câu: Chắc do ăn cá nóc! Không phải bị trúng gió. Xe cấp cứu chạy hộc tốc vào BV Quảng Ngãi, giữa đường ông Trinh tắt thở. Tin dữ chuyển về làng, vậy là thằng con trai của ông Trinh đang trong trạng thái liêu xiêu cũng được cõng lên bệnh viện và may mắn qua khỏi cửa tử.

Cái chết thảm của ông Trinh liệu có làm người dân nơi đây từ bỏ “đặc sản cá nóc”? Ông Nguyễn Thức (85 tuổi) khẳng định một cách chủ quan: “Tui không nể con cá nóc nào hết. Bỏ gì nổi, ớn vài bữa rồi lại ăn thôi. Hồi trai tui ăn hoài, trên 50 năm đi biển, hổng thể tính nổi là tui đã ăn bao nhiêu ngàn con. Chết đây chẳng qua là chết rủi!”.

Ông Lê Đắc Hòa, cán bộ HĐND xã, từ thôn Phước Thiện lao qua xóm Hải Hòa để đi lễ tang cho người thân. Ông Hòa rối rít lay vai bọn trai đang ngồi ỉu xìu: “Thôi nghen, tao năn nỉ tụi bay. Cá nóc nó không giúp mình lên được mấy ký đâu. Nghỉ luôn đi!”.

Ông Minh - người viết sớ trong lễ tang trao đổi: “Trong lễ tang, tôi đã đọc trước bà con ghi nhận về thành tích làm ăn giỏi của ông Trinh. Đồng thời cũng nhắc bà con mình là thôi, đừng chơi cái cá nóc đó nữa”.

Lắng nghe tiếng trống đám tang dội thùng thùng, chị Tiêu Viết Thanh (vợ ngư dân Trần Minh Cảnh) đứng ngồi không yên: “Phát biểu hả em, cho chị phát biểu để cho ổng kinh và bỏ luôn cá nóc đi”. Theo chị, lâu lâu nghe tivi nói ăn cá nóc chết, chị rất lo cho cái thói ăn càn của chồng. Đi biển bắt được cá nóc, chồng chị mừng như được vàng. Mang về nhà, ông phỉnh bốn đứa con nhỏ ăn cho vui. Khi rượu vào ngà ngà, nghe vợ khuyên can coi chừng chết, ông Cảnh dọa: “Mày cấm ăn, tao ví mày chạy bây giờ!”.

Vợ một số ngư dân tâm sự nghe ớn cả người: “Cứ đi biển về có cá nóc là ổng tự làm, tự nấu. Ổng ăn cá nóc, uống rượu ngủ lăn quay, thỉnh thoảng tụi tôi tới rờ thử. Nếu ổng sủi bọt cua, cứng đơ là bị ngộ độc. Phải canh chừng để kịp hô cả xóm hái lá, đem muối tới ủ. Nếu không ổng tiêu mạng hồi nào hổng hay”.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm