Phải giàu mới coi nổi cải lương

Cứ lâu thiệt lâu, tưởng đâu cải lương đã biến mất khỏi đời sống văn hóa giải trí ở Sài Gòn thì lại thấy dư luận rộn ràng trước thông tin một chương trình cải lương nào đó quy tụ đầy các ngôi sao và giá vé “trên trời”.

Cải lương cơ hội “cắt cổ” nhà nghèo

Chương trình cải lương “Những năm tháng không phai” của nghệ sĩ Linh Huyền mang ý nghĩa phục dựng những vở tuồng cải lương kinh điển. Chương trình “Chút tình gửi lại nhân gian” với hai vở cải lương Bên cầu dệt lụa Tiếng trống Mê Linh của ông bầu Gia Bảo mang ý nghĩa kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga. “Thiên đường tôi yêu 2 - Bản sắc anh hùng” của nghệ sĩ Kim Tử Long có ý nghĩa live show tri ân khán giả. “Vũ Linh - Đêm tri âm” của nghệ sĩ Vũ Linh cũng mang ý nghĩa tri ân khán giả, nghề nghiệp. Sau “Chút tình gửi lại nhân gian”, ông bầu Gia Bảo làm tiếp chương trình “Tài danh đất Việt” có ý nghĩa phục dựng những vở cải lương nổi tiếng của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, bắt đầu từ Nửa đời hương phấn… Điểm chung của tất cả chương trình cải lương kiểu này là ngoài cái cớ ý nghĩa còn phải quy tụ rất đông các nghệ sĩ nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ để dễ bán vé; và bán vé với giá rất cao, có thể lên tới 1 triệu đồng như ở “Chút tình gửi lại nhân gian”, “Tài danh đất Việt”.

Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh của chương trình “Chút tình gửi lại nhân gian” dù được làm lại rất nghiêm túc nhưng cũng chỉ mang tính hoài niệm, giá vé lại quá cao. Ảnh: HÒA BÌNH

Những khán giả nghèo ở các tỉnh xa vốn là những người yêu cải lương nồng nhiệt, mến mộ những nghệ sĩ cải lương danh tiếng hết lòng, họ đã chắt chiu nhịn ăn, bán lúa, thậm chí mượn tiền để đi xem cho thỏa lòng. Điều đáng nói nhất là những chương trình cải lương cơ hội thế này dù được làm nghiêm túc, chất lượng đến đâu cũng vẫn chỉ mang tính hồi niệm do các nghệ sĩ vang bóng một thời càng lúc tuổi càng cao, không thể ca diễn sung sức như thời cải lương rực rỡ được. Những chương trình cải lương như thế cũng chỉ có thể thu hút được một lớp khán giả cũ của cải lương tuổi đã vào độ trung niên hoặc lão niên chịu bỏ tiền giá cao đến xem bằng chính hoài niệm của mình. Khán giả hạn chế như thế, các chương trình cải lương thế này khó có thể trụ lâu sau vài suất. Giá vé cao như thế khó có thể thu hút khán giả bỏ tiền ra xem lâu dài; khán giả trẻ vốn thờ ơ với cải lương, giá vé cao như thế lại càng chẳng quan tâm.

“Cạy sơn son thếp vàng” đem bán

Rõ ràng những chương trình cải lương giá cao như trên dù có làm không khí cải lương rộn ràng lên đôi chút vẫn không phải là tương lai hay tạo ra đời sống bền vững cho cải lương. Cải lương cần một đời sống bình thường với những sân khấu sáng đèn hằng đêm, diễn nguyên một vở tuồng, với dàn đào kép ổn định không phụ thuộc vào sao và bán vé giá phổ thông cho số đông công chúng.

Đầu tháng 10-2014, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Kịch IDECAF đã cải tạo sàn diễn, khán phòng Nhà hát dân tộc Nón Lá của mình trong khuôn viên Cung văn hóa Lao Động TP.HCM thành một sân khấu nhỏ ấm cúng. Bầu Tuấn mong muốn xây dựng một rạp cải lương nhỏ, diễn định kỳ hằng tuần với những kịch bản cải lương hay, chọn lọc, được dàn dựng chỉn chu theo đúng chất mộc mạc, chân phương của cải lương xưa với những nhạc cụ dân tộc mộc, không xài đàn điện tử. Bầu Tuấn kỳ vọng đây sẽ là một điểm đến thường xuyên của những người thật sự muốn xem cải lương hay, cải lương đúng chất mà không phụ thuộc vào việc có hay không có ngôi sao và chỉ bán giá vé trung bình như vé xem kịch. Sân khấu đã chuẩn bị xong, tiền bạc đã chuẩn bị xong, kinh nghiệm xây dựng, quản lý thành công sân khấu IDECAF cũng khiến anh tự tin, bầu Tuấn tìm đến những diễn viên cải lương trẻ có giọng ca hay phù hợp với sân khấu cải lương để mời cộng tác. Tưởng đâu những bạn trẻ này sau khi đoạt các giải thưởng như Chuông vàng vọng cổ, Trần Hữu Trang mà vẫn lêu bêu, vốn thường hay than thở không có sân khấu để diễn, để rèn luyện nghề nghiệp, để theo đuổi niềm đam mê diễn cải lương sẽ xem đây là cơ hội tốt. Nhưng không, các bạn trẻ ấy chỉ hứa hẹn ỡm ờ, còn lại luôn bỏ lịch làm việc để chạy show hát đám ma, đám cưới, hát cúng đình với giá cát sê ở con số tiền triệu…

Bầu Tuấn than thở: “Các nghệ sĩ cải lương, nhất là các bạn nghệ sĩ trẻ nếu không chịu hy sinh bỏ bớt show, không chịu đồng cam cộng khổ nhận mức cát sê như bên kịch nói để bám trụ sân khấu thì làm sao có một sân khấu cải lương đích thực. Mình có lòng với cải lương lắm cũng chỉ có thể làm đến vậy”.

Câu chuyện và lời than của ông bầu Tuấn nghe mà thật buồn. Cách làm cải lương kiểu ăn xổi ở thì như thế đã khiến một nghệ sĩ cải lương lớn tuổi thở dài ví von: “Nghệ sĩ cải lương tụi tui giờ như những đứa con phá gia chi tử. Ông bà mình vàng son rực rỡ, còn mình thì làm ăn thua lỗ rồi chỉ biết về cái nhà tổ của ông bà để lại cạy mấy cái sơn son thếp vàng xưa, lấy danh tiếng xưa đem bán”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Kịch IDECAF:

Phải giàu mới coi nổi cải lương ảnh 2

"Kịch nói ngày xưa còn khó khăn hơn cải lương bây giờ mà còn được vững mạnh như ngày hôm nay là bằng chính sự say mê nghề nghiệp, chấp nhận gian khó của các nghệ sĩ kịch nói. Cải lương có còn tồn tại ở đời sống sân khấu thực sự hay không là do chính các nghệ sĩ cải lương quyết định mà thôi".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm