Lễ hội đã bớt bạo lực nhưng còn nặng mùi... tiền

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), năm nay các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre.

Tuy nhiên, lễ hội vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục; vẫn còn xảy ra những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội; hiện tượng đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính.

Đặc biệt, theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, vẫn có hiện tượng nâng cấp và mở rộng quy mô của lễ hội mà chưa có sự nghiên cứu đầy đủ về mặt khoa học và ý nghĩa truyền thống của lễ hội, chưa có phương án tổ chức lễ hội nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội.

Thứ trưởng Trinh Thị Thủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.THỊNH 

“Nhiều nơi có xu hướng biến lễ hội thành phương tiện để nhằm mục đích tạo nguồn thu cho lợi ích nhóm”, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đề cập.

Bên cạnh ghi nhận những mặt tích cực của lễ hội, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến một số lễ hội vẫn còn tồn tại tiêu cực, điển hình là lễ hội chọi trâu.

“Tôi đặt câu hỏi và đề nghị Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu: Tại sao các doanh nghiệp cứ thích được chọi trâu... Sau chọi trâu người dân được hưởng thụ văn hóa gì ở chọi trâu?”, ông Phúc nêu vấn đề.

Theo ông Phúc, dứt khoát không cho bán vé, không cho giết trâu. Bởi có trường hợp chỉ có 16 con trâu chọi nhưng giết khoảng 30-40 con để bán lấy thịt.

Trả lời câu hỏi này của ông Phúc, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy lý giải sở dĩ các doanh nghiệp thích tổ chức chọi trâu vì họ thu được lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm