Khai mạc Đại hội XI Công đoàn TP.HCM

Một trong những chương trình trọng tâm được đại hội đề ra trong nhiệm kỳ mới là tập trung các nguồn lực chăm lo lợi ích đoàn viên, nâng cao trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên…

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, trao lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Trong nhiệm kỳ sắp tới, công đoàn TP.HCM đề ra các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ mới, tiêu biểu như: Phấn đấu kết nạp mới 500.000 đoàn viên; Thành lập công đoàn cơ sở tại 100% doanh nghiệp từ 25 lao động trở lên; Mỗi năm mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng; Tổ chức ít nhất một hội thi tay nghề phù hợp với ngành nghề và đối tượng; Phấn đấu tổ chức từ 1 - 2 thiết chế của tổ chức công đoàn; 100% cán bộ công đoàn được bồi dưỡng kỹ năng, đào tạo về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn…

Đến dự và phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã đánh giá rất cao những nỗ lực của Công đoàn thành phố trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra một số vấn đề đối với tổ chức Công đoàn thành phố trong nhiệm kỳ tới.

Thứ nhất, Công đoàn phải tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công nhân, góp phần ngăn chặn hiệu quả các hành vi tiêu cực trong xã hội.

CĐ cần quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục CNVC-LĐ chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng để qua đó CNVC-LĐ hiểu và thực hiện tốt

Thứ hai, CĐ phải chủ động trong phát hiện, giải quyết bức xúc, tranh chấp lao động từ những việc nhỏ nhất – phải là chỗ dựa thật sự vững chắc của công nhân, viên chức, người lao động. Cán bộ công đoàn phải biết đoàn viên, NLĐ của mình muốn gì, cần gì, để từ đó tổ chức phong trào, thực hiện nhiệm vụ. Kiên quyết không để những thế lực khác lôi kéo, tập hợp lực lượng, chiếm lĩnh vai trò, vị trí của mình.

Thứ ba, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ. Chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương lao động giỏi, lao động sáng tạo, giải thưởng Tôn Đức Thắng, gương người tốt, việc tốt; Từ các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức CĐ cần phải quan tâm giới thiệu những đoàn viên CĐ ưu tú, tích cực, tiêu biểu trên các lĩnh vực sang cấp ủy, tổ chức Đảng để xem xét, kết nạp. 

Thứ tư, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức CĐ từ TP đến cơ sở; xây dựng tổ chức CĐ cơ sở vững mạnh; thu hút kết nạp đoàn viên CĐ, phấn đấu thành lập CĐ cơ sở theo phương châm "Nơi nào có công nhân lao động, nơi đó phải có tổ chức CĐ". 

Thứ năm, trước những thách thức của Cuộc cách mạng công ghiệp 4.0; tổ chức CĐ cần chú trọng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, DN, các trường Đại học tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, trau dồi về tay nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ CNVC-LĐ.

Thứ sáu, xây dựng giai cấp CN và tổ chức CĐ vững mạnh là trách nhiệm không chỉ của riêng tổ chức CĐ mà còn là của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền, sở ngành, đoàn thể cần tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ để CĐ hoạt động thuận lợi, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng và vai trò của mình theo quy định…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm