Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang vừa công bố 10 sự kiện, dấu ấn nổi bật của tỉnh trong năm 2023. Cụ thể:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo báo cáo, hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đó, trong 27 chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội, có sáu chỉ tiêu vượt và 14 chỉ tiêu đạt từ 50% trở lên.
Năm 2022, quy mô kinh tế của tỉnh đạt 116.000 tỉ đồng, vươn lên đứng thứ hai ĐBSCL, chỉ sau tỉnh Long An. Dự kiến trong năm 2023 quy mô kinh tế Kiên Giang sẽ đạt hơn 129.000 tỉ đồng, tăng khoảng 30.000 tỉ đồng so với năm 2020.
2. Tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Các TP Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.
Trong đó, TP Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghĩ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới. Còn TP Rạch Giá là TP thương mại, dịch vụ xanh và TP Hà Tiên là đô thị di sản.
3. Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc. Buổi lễ nhằm tưởng niệm, tri ân anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và người dân trong công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng.
Cạnh đó, tăng cường giáo dục truyền thống hào hùng và anh dũng của các thế hệ ông cha và truyền lửa cách mạng, vun đắp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
4. Kiên Giang có 24 xã được công nhận xã An toàn khu, ngoài ra liên huyện U Minh Thượng - An Minh - Vĩnh Thuận được công nhận là vùng An toàn khu. Việc công nhận xã an toàn khu là cơ sở để Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách nhằm tri ân và nâng cao mức sống, vật chất và tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân ở đây bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước và từng địa phương.
5. Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thế Quốc gia. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ và đình Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá và Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã có lịch sử hình thành hơn 100 năm. Việc trở thành di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
6. Đảo ngọc Phú Quốc được nhiều tổ chức uy tín thế giới bình chọn là “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới năm 2023”. Đơn cử, Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới của Mỹ xếp Phú Quốc thứ 3 trong danh sách 23 điểm đến đáng đi du lịch nhất trong năm 2023. Đồng thời ngợi ca đảo ngọc Phú Quốc là “Ngôi sao mới của du lịch Việt Nam.
Gần đây nhất, ngày 1-12, Việt Nam lần thứ 4 đón nhận giải thưởng danh giá Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới. Cạnh đó, Việt Nam còn có 5 điểm đến cấp địa phương cũng được trao tặng hạng mục giải thưởng. Trong đó, đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến Biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”.
7. Kiên Giang đã phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, như: Hội thi tuyên truyền 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời; Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực ĐBSCL; triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương”...
8. Đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn để tưởng niệm, tri ân anh hùng liệt sĩ, người có công, như: Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, người có công ở huyện Vĩnh Thuận; nhà lưu niệm Lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang tại huyện U Minh Thượng...
9. Kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Kiên Hải; 30 năm thành lập xã đảo tiền tiêu Thổ Châu (thuộc TP Phú Quốc).
Qua nhiều lần điều chỉnh, chia tách, đến nay huyện Kiên Hải có bốn xã gồm Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du, với gần 18.000 người. Qua 40 năm hình thành, phát triển, kinh tế của huyện Kiên Hải phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 14%; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng, tăng 20,5 lần so khi mới thành lập.
Thổ Châu là xã đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh trên vùng biển Tây Nam và của vùng ĐBSCL. 30 năm qua, đảng bộ, quân và dân xã đảo Thổ Châu đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế của xã đạt kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng từ 10-12%. Tỉ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm còn 0,56%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 33 triệu đồng/người/năm.
10. Kiên Giang đã triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, nhiều hoạt động cụ thể cũng được triển khai thực hiện, như: đẩy mạnh công tác truyền thông, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia; tổ chức sơ kết các hoạt động chuyển đối số giai đoạn 2021- 2025; tổ chức Hội thảo An toàn thông tin và diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin...
Ngoài ra, Kiên Giang còn ra quân phố biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm dịch vụ số nhằm tổ chức triển khai các hoạt động tại địa bàn ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.