An toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan trọng mỗi dịp tết đến xuân về. Đây là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông vào thị trường. Do đó để phòng tránh ngộ độc thực phẩm những ngày nghỉ tết, BS CKI Trần Thị Minh Nguyệt (Viện Dinh dưỡng NutiFood) đã chia sẻ các lưu ý khi lựa chọn và tiêu thụ thực phẩm như sau:
Mua thực phẩm ở nơi đáng tin cậy: Theo BS Minh Nguyệt, người tiêu dùng nên mua thực phẩm ở những nơi có uy tín, tốt nhất có các chứng nhận của cơ quan chức năng, không mua thực phẩm tươi sống ở những nơi bày bán không đảm bảo vệ sinh (sạp, rổ, mẹt để sát đất).
Lựa chọn thực phẩm tươi, có nguồn gốc: Nên lựa chọn thực phẩm tươi sống. Khi mua thịt, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
Tránh mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Với gia cầm, chọn con có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng. Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền.
Lựa chọn thực phẩm ở nơi uy tín giúp phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Nguyên Hà
Đối với rau, củ quả: Không mua rau quả đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có hình dạng bất thường như quá mập, quá phồng hoặc dính các hạt bụi nhỏ. “Khi sử dụng, cần nhặt tách riêng từng lá và cọng rau, ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút để hòa tan thuốc bảo vệ thực vật (nếu có). Sau đó, rửa trôi 2-3 lần dưới vòi nước chảy. Nếu là quả thì nên rửa sạch, gọt bỏ vỏ, loại những quả dập nát” - BS Nguyệt lưu ý.
Ngoài ra với thực phẩm đóng gói, đóng hộp như lạp xưởng, xúc xích, bánh mứt, nước đóng chai, các loại gia vị... người tiêu dùng nên chọn những loại có nhãn mác, nhà sản xuất có uy tín, còn hạn dùng, nên đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Ăn uống và bảo quản thực phẩm đúng cách: Phòng tránh ngộ độc thực phẩm không chỉ là lựa chọn và sơ chế thực phẩm đảm bảo, mà quá trình chế biến và lưu trữ cũng tác động đến chất lượng thực phẩm. Theo BS Nguyệt: “Thức ăn phải được sơ chế kỹ càng trước khi chế biến, và nấu chín thực phẩm là cách để tránh gây ngộ độc”.
Theo đó, thực phẩm chế biến xong nên ăn ngay, đảm bảo thơm ngon, hợp vệ sinh. Trường hợp nấu thức ăn thờ cúng để lâu cần tránh ruồi nhặng bám vào. Nên hâm nóng thức ăn trước khi ăn, thực phẩm ăn không hết cần bảo quản trong tủ lạnh đúng cách.
Nếu ăn bên ngoài hàng quán nhất là khi đi trên đường cần chú ý chọn nơi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn được trưng bày trong tủ kính sạch sẽ, người bán không dùng tay bốc thức ăn, không vừa múc thức ăn vừa thu tiền… nên ăn những món đã nấu chín, hạn chế các loại rau, thực phẩm còn sống.