Luật sư VƯƠNG THỊ HẸN trả lời: Theo khoản 2 Nghị quyết 45 ngày 14-6-2005 của Quốc hội, đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực (1-1-2005) thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: a) Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự 2005; b) Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức khác với quy định của Bộ luật Dân sự 2005 hoặc giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày 1-1-2005 mà có tranh chấp xảy ra thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 để giải quyết.
2. Giá trị pháp lý của thư điện tử
Tôi có một file văn bản của Cục Quản lý nhà do cục này trả lời qua trang thông tin điện tử Bộ Xây dựng. Đó chỉ là file văn bản không có chữ ký và đóng dấu. Xin hỏi file văn bản này có giá trị không? Thư điện tử (email) có được coi là chứng cứ không?
(hanminhuang@yahoo.com và ducmyfriends@yahoo.com)
Luật sư CHÂU XI trả lời: Theo các điều 11, 13 Luật Giao dịch điện tử, thông tin trong thông điệp dữ liệu (TĐDL) không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng TĐDL. TĐDL có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau: 1) Nội dung của TĐDL được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một TĐDL hoàn chỉnh. Nội dung của TĐDL được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị TĐDL; 2) Nội dung của TĐDL có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
Ngoài ra, Điều 14 luật này cũng quy định: Giá trị chứng cứ của TĐDL được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi TĐDL; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của TĐDL; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Như vậy, thư điện tử trả lời của Cục Quản lý nhà có giá trị pháp lý.
Đ.LIÊN ghi