Ba mạnh, ba yếu của bà Hillary

Chiều 12-4 (giờ địa phương), trên trang web hillaryclinton.com, nguyên Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton 67 tuổi đã thông báo chính thức tranh cử tổng thống Mỹ trong hàng ngũ đảng Dân chủ.

Tăng lương, giảm chênh lệch thu nhập

Nếu được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11-2016, bà Hillary Clinton sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.

Bà đã đặt bộ chỉ huy chiến dịch tranh cử ở quận Brooklyn (New York) và đã mời Stephanie Hannon, nguyên cán bộ của trang Google, chỉ huy chiến lược tranh cử về kỹ thuật số.

Các cuộc vận động tranh cử đầu tiên sẽ mở màn ở hai bang Iowa và New Hampshire, hai bang quan trọng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Chiến dịch tranh cử của bà tập trung vào chủ đề trung tâm là cải thiện cuộc sống kinh tế của tầng lớp trung lưu bằng cách tăng lương và giảm bất bình đẳng về thu nhập.

Tổ chức “Ready for Hillary” (“Sẵn sàng cho bà Hillary”) đã chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử từ hai năm nay.

Đảng Cộng hòa tìm cách khai thác tai tiếng của bà Hillary Clinton. Biếm họa của PARESH NATH ở báo The Khaleej Times (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất)

Để gây quỹ, tổ chức này đã mở cửa hàng trên mạng rao bán mũ, áo, tranh khổ lớn, vỏ điện thoại, miếng dán có in ảnh bà Hillary.

Các mặt hàng rất đa dạng, mũ 14 USD, áo nỉ 45 USD, áo thun 10 USD, vỏ điện thoại 10 USD, dây dắt chó 20,16 USD… Thông qua Facebook, giá thường giảm 50%-60%. Đến nay đã có hơn 1,2 triệu miếng dán được tiêu thụ.

Cuối tuần trước tại New York, tổ chức “Ready for Hillary” đã tổ chức sự kiện và bán vé với số tiền biểu tượng 20,16 USD (chỉ năm bầu cử 2016).

Theo hãng tin Bloomberg, tổ chức này chú ý đặc biệt đến các nhà tài trợ nhỏ. Đến nay tổ chức này đã quyên góp được hơn 15 triệu USD từ hơn 135.000 nhà tài trợ và đã thu hút được 3,6 triệu người ủng hộ.

Theo thống kê, 98% số người đóng góp từ 100 USD trở xuống. Báo Washington Post dự báo khi chiến dịch tranh cử chính thức khởi động, số tiền quyên góp sẽ tăng nhanh hơn.

Không có đối thủ trong đảng Dân chủ

Báo Le Figaro (Pháp) ghi nhận bà Hillary Clinton có các điểm mạnh:

- Bà có nhiều kinh nghiệm hoạt động chính quyền, từng trải qua tám năm với tư cách đệ nhất phu nhân trong Nhà Trắng, tám năm ở Thượng viện và bốn năm giữ chức ngoại trưởng. Bà chứng tỏ là con người đầy nghị lực khi phu quân (Bill Clinton) quan hệ ngoài luồng với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky.

- Tổ chức “Ready for Hillary” đã có thời gian chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử của bà và đã thu hút nhiều người ủng hộ.

- Bà đã từng ra tranh cử tổng thống năm 2008 nhưng cuối cùng ông Obama giành được vị trí ứng cử viên của đảng Dân chủ. Lần này, bà ra tranh cử trong bối cảnh hết sức thuận lợi. Đến giờ trong đảng Dân chủ hai nhân vật có thể ra tranh cử lại là những người không mấy nổi trội.

Song song theo đó, các điểm yếu của bà cũng được nêu ra:

- Do bà Hillary không có đối thủ nên báo chí sẽ tập trung săm soi. Tháng rồi bà phải thừa nhận với chút khôi hài: “Quan hệ giữa tôi với báo chí luôn phức tạp… Nhưng tôi sẽ luôn có những khởi đầu mới, một đứa cháu mới, một kiểu tóc mới, một địa chỉ thư điện tử mới... Và một quan hệ mới với báo chí”.

- Nhiều tuần trước, bà bị chỉ trích lúc làm ngoại trưởng đã sử dụng địa chỉ email riêng (hdr22@clintonemail.com). Đảng Cộng hòa nghi ngờ bà đã hủy các thư điện tử gây phiền toái như vụ Benghazi ở Libya (lãnh sự quán Mỹ bị tấn công hôm 11-9-2012 làm bốn công dân Mỹ thiệt mạng, trong đó có đại sứ Mỹ).

- Gia đình Clinton bị chỉ trích từ nhiều năm nay đã nuôi dưỡng “văn hóa giữ bí mật”. Gần đây nhất là vụ Quỹ Clinton nhận nhiều triệu USD tiền tài trợ từ nước ngoài trong thời gian bà Hillary làm ngoại trưởng mà không báo cáo, đặc biệt từ các nước Trung Đông.

Tai tiếng từ Quỹ Clinton

Ngày 12-4, sau khi thông báo chính thức ra tranh cử tổng thống, bà Hillary Clinton đã từ chức khỏi hội đồng quản trị Quỹ Clinton. Mục đích nhằm tránh xảy ra vấn đề xung đột lợi ích. Quỹ Clinton do cựu Tổng thống Bill Clinton sáng lập năm 2001. Năm bà Hillary được bổ nhiệm làm ngoại trưởng (năm 2009), Quỹ Clinton đã ký kết với chính phủ thỏa thuận quy định nếu một quốc gia là nhà tài trợ cũ muốn tăng tiền quyên góp hay một quốc gia muốn đóng góp để trở thành nhà tài trợ mới, Quỹ Clinton sẽ trao phần đóng góp đó cho Bộ Ngoại giao xác minh xem có xung đột lợi ích hay không.

Sáu năm sau đó, Quỹ Clinton thừa nhận không áp dụng đúng thỏa thuận đối với khoản quyên góp 0,5 triệu USD của Algeria để cứu trợ Haiti sau động đất năm 2010. Trong thời gian bà Hillary giữ chức ngoại trưởng có bảy quốc gia đóng góp gồm Kuwait, Qatar, Oman, Úc, Na Uy, Cộng hòa Dominica và Algeria. Sau khi bà rời khỏi chính phủ có thêm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Đức. Ngoài ra còn có nhiều triệu USD đóng góp từ các chủ doanh nghiệp, trong đó có Công ty xây dựng Rilin Enterprises của tỉ phú Trung Quốc Vương Văn Lương (đại biểu Quốc hội).

Thật ra các khoản đóng góp đều hợp pháp nhưng khi người đóng góp là cá nhân hay thực thể có lợi ích ngoại giao hay kinh tế đối với Mỹ sẽ dẫn đến nghi ngờ có xung đột lợi ích. Đảng Cộng hòa đã tích cực khai thác vấn đề này.

Nghị sĩ Rand Paul khẳng định đó là tham nhũng và kêu gọi Quỹ Clinton trả lại tiền từ các khoản không khai báo. Ông nhấn mạnh: “Bà Hillary Clinton phải giải thích vì sao nhận tiền từ các nước vi phạm quyền phụ nữ”. Trong đảng Cộng hòa đã có hai nghị sĩ Ted Cruz và Rand Paul thông báo ra tranh cử. Jeb Bush, em trai cựu Tổng thống George W. Bush, tích cực quyên góp nhưng chưa chính thức tuyên bố.

1.300sự kiện đã được tổ chức “Ready for Hillary” tổ chức ở 50 bang và nước ngoài. Theo thăm dò của Reuters-Ipos, 60% số người được hỏi dự tính sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton ở vòng bầu cử sơ bộ. Kế đến là nữ nghị sĩ Elizabeth Warren và Phó Tổng thống Joe Biden (chưa thông báo ra tranh cử).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm