Bộ GTVT vừa đồng ý cập nhật, điều chỉnh 71 tuyến vận tải khách cố định có cự ly trên 1.100 km từ Quảng Trị trở ra phía Bắc sẽ được di dời sang Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM.
Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT báo cáo UBND TP về việc sắp xếp, điều chuyển xe trên địa bàn đảm bảo chỉ thay đổi hành trình, bến xe tại TP. Đồng thời giữ nguyên lưu lượng đã được công bố và giữ nguyên đơn vị đang khai thác tuyến nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải, đơn vị bến xe sớm hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, bộ yêu cầu Sở GTVT phối hợp với Công an TP để xử lý hiện tượng xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định trên địa bàn TP.
Bến xe sẵn sàng hoạt động
Ghi nhận của PV ngày 29-7, các tuyến đường xung quanh kết nối với BXMĐ mới đã được phân làn, các biển chỉ dẫn cũng được lắp thêm.
Phía bên trong khu vực bến xe cũng đã hoàn thiện nhiều hạng mục, các hầm, bãi đậu xe đã được lắp đặt các thiết bị chiếu sáng. Các biện pháp chống thấm và sửa chữa cũng đã được hoàn thiện. Ngoài ra, các nhân viên đang tích cực tưới tiêu và chăm sóc mảng xanh.
Phía bên ngoài bến xe, tại cổng C5, đã được xây dựng lên hàng rào chắn bảo vệ, tách biệt giữa bãi đậu xe và bên ngoài. Tại một số cổng khác, chủ đầu tư cũng đã lắp đặt hệ thống phun nước tự động để phục vụ khi có hỏa hoạn xảy ra.
Tại đường 400 (quận 9) kết nối vào bến xe, PV ghi nhận các dải phân cách đã được lắp đặt, kéo dài từ xa lộ Hà Nội tới đoạn cắt đường Hoàng Hữu Nam để phân chia các dòng xe khi di chuyển. Trên tuyến đường này cũng được đặt điểm đón xe buýt phục vụ người dân khi bến xe đi vào hoạt động.
Tương tự, trên đường số 13 cũng được lắp đặt các biển chỉ dẫn hướng đi cho người dân. Tuy nhiên, do tuyến đường này là đường đi vào điểm tập kết xe container nên mặt đường bắt đầu xuống cấp, hố lún sâu và đầy sỏi đá.
Phía trước cổng chính của BXMĐ mới, các công trình hầm chui, ga metro vẫn đang được các công nhân tiến hành thi công, nhiều vật liệu xây dựng được tập kết và phân loại phục vụ cho công trình này.
Các hạng mục xung quanh bến xe miền đông mới gần như đã hoàn chỉnh. Ảnh: THY NHUNG
Chờ UBND TP chấp thuận
Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco), chủ đầu tư BXMĐ mới, đã có văn bản báo cáo UBND TP về việc đưa BXMĐ mới vào hoạt động giai đoạn 1.
Cụ thể, tại văn bản này, Samco cho biết các vấn đề pháp lý liên quan đến BXMĐ mới, hiện công ty đang thực hiện thủ tục ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT. Chủ đầu tư cũng cho biết mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để đưa BXMĐ mới vào phục vụ vận tải hành khách đường bộ. Do vậy, Samco đề nghị chính thức đưa BXMĐ mới vào hoạt động giai đoạn 1 từ ngày 15-8.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 29-7, bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Giám đốc phụ trách BXMĐ mới, cho biết hiện Samco vẫn đang chờ UBND TP chấp thuận cho BXMĐ mới đi vào hoạt động.
Theo đại điện một số đơn vị vận tải nằm trong danh sách 71 tuyến cố định được di dời, các đơn vị này đã sẵn sàng phục vụ hành khách tại BXMĐ mới. Đại diện một doanh nghiệp vận tải cho biết việc di dời sang BXMĐ mới sẽ khiến doanh nghiệp gặp một số khó khăn như thêm xe trung chuyển từ bến xe cũ sang bến xe mới, tăng thêm nhân sự. Tuy nhiên, việc này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của công ty và công ty cũng chấp thuận di dời theo chỉ đạo của TP.
Nhiều tuyến xe buýt kết nối với BXMĐ mới Mới đây, trung tâm giao thông công cộng đã đề xuất Sở GTVT ban hành quyết định điều chỉnh một số tuyến xe buýt sẽ kết nối BXMĐ mới. Theo đó, các tuyến được đề xuất gồm tuyến số 55, 76, 61-1, 150, 60-1, 60-2, 60-3, 60-4. Riêng tuyến xe buýt số 7 và 61-05 thuộc sự quản lý của Sở GTVT tỉnh Bình Dương, do đó trung tâm đề xuất sở thống nhất với Sở GTVT tỉnh Bình Dương việc điều chỉnh hai tuyến xe buýt này để kết nối BXMĐ mới. Đối với tuyến xe buýt kết nối bến xe cũ với bến xe hiện đã hết hiệu lực từ tháng 9-2019 và do đơn vị này không có nhu cầu gia hạn nên trung tâm đề xuất Sở GTVT kiến nghị TP cho phép trung tâm tiếp tục phát hành hồ sơ để lựa chọn doanh nghiệp đảm nhận khai thác tuyến theo hình thức đặt hàng. |