Theo đơn tố cáo của Công ty TNHH Cát Vàng (TP Phan Thiết), công ty có mua bảo hiểm hai xe tải tại Công ty Bảo hiểm PVI Đông Nam Bộ - Chi nhánh Bình Thuận thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam với số tiền hơn 15 triệu đồng. Tuy nhiên, khi xe bị tai nạn thì PVI không thanh toán tiền sửa chữa như cam kết.
Mua bảo hiểm cũng như không!
Ngày 14-10-2009, một xe tải của Công ty Cát Vàng bị tai nạn giao thông. Lập tức bà K. (nhân viên PVI đã ký hợp đồng, thu tiền, cấp thẻ bảo hiểm cho Công ty Cát Vàng) có mặt để làm thủ tục, đưa xe đi sửa chữa. Theo thỏa thuận, Công ty Cát Vàng nhận xe sau khi sửa xong, còn bà K. có trách nhiệm thanh toán tiền. Tuy nhiên, sau khi xe sửa xong với chi phí 33 triệu đồng nhưng khách chờ mãi không thấy PVI thanh toán. Cuối tháng 12-2009, chủ gara đã tạm giam xe của Công ty Cát Vàng chờ trả nợ. Phía Công ty Cát Vàng liên tục níu áo PVI thì ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc PVI, yêu cầu phía Cát Vàng cứ ứng trả tiền sửa xe, lấy hóa đơn về PVI sẽ thanh toán sau. Do sợ ảnh hưởng đến hoạt dộng kinh doanh nên Công ty Cát Vàng bấm bụng trả 33 triệu đồng và lấy hóa đơn đưa cho PVI nhưng gần năm tháng qua PVI không thanh toán tiền như đã hứa.
Bà Trần Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Cát Vàng, bức xúc: “Mua bảo hiểm là để tránh rủi ro nhưng gặp rủi ro nhiều hơn. Đó là chưa kể đến việc xe của công ty bị tạm giữ trái pháp luật cả tháng trời, thiệt hại lớn về kinh tế nhưng không ai giải quyết”.
Hứa trả rồi “xù”
Tương tự trường hợp trên, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ Xuân Lộc, Đồng Nai) tố cáo: ông mua bảo hiểm cho chiếc Innova tại PVI Chi nhánh Bình Thuận và bà K. đến thu tiền, cấp thẻ bảo hiểm.
Xe Innova của ông Minh tại gara sau khi xảy ra tai nạn (ảnh trên).
Thư ủy quyền của giám đốc PVI Bình Thuận cho bà K. gửi cho khách hàng.
Ngày 16-11-2009, xe ôtô này bị va quẹt và được bà K. yêu cầu đưa xe đến nơi gần nhất để sửa chữa. Sau khi sửa xe hơn 65 triệu đồng, ông Minh báo ngay cho bên bảo hiểm. Vài ngày sau, ông Minh nhận được thư trả lời của giám đốc PVI Bình Thuận chấp nhận số tiền nêu trên và ủy quyền cho bà K. giải quyết. Theo yêu cầu, ông Minh phải lấy hóa đơn mang tên khách hàng là PVI nhưng đến nay vẫn không được trả đồng nào. Gia đình ông Minh cần lấy xe đi lại làm ăn nên đành ứng tiền ra trả.
Ông Minh cho biết hơn ba tháng qua, ông đã đi lại mòn hết vỏ xe nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn và cách giải quyết đùn đẩy của PVI. Được biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc điều tra sau khi nhận đơn tố cáo của Công ty Cát Vàng và ông Minh. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã xác minh được gần 50 xe khác ở nhiều địa phương cũng bị dính bảo hiểm kiểu này.
Ngày 27-4, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc PVI Chi nhánh Bình Thuận. Ông cho biết: + Cô K. trước đây là nhân viên hợp đồng, sau này chúng tôi ký lại là đại lý. Các trường hợp trên là do cô K. lấy cắp thẻ bảo hiểm của PVI để bán cho khách hàng với số lượng gần 50 xe .Tuy nhiên, chúng tôi phải có trách nhiệm vì đó là vấn đề thương hiệu. Do cô K. không cung cấp một hình ảnh nào về các vụ tai nạn nên chúng tôi không có cơ sở để bồi thường. . Ông có ủy quyền gì cho cô K. đi giải quyết các vụ tai nạn? + Chúng tôi không hề có ủy quyền nào cả. . Vậy thư gửi khách hàng Nguyễn Văn Minh (ngày 24-11-2009) do ông ký tên, đóng dấu lại ủy quyền cho cô K. chịu trách nhiệm hỗ trợ khách hàng, xem xét, giám định xe và giải quyết mọi thắc mắc, ông giải thích sao? + Tờ giấy đóng dấu ký tên sẵn này là do cô K. ăn cắp của công ty và điền thêm những thông tin đó vào để đưa cho khách hàng . Thưa ông, việc PVI bị mất thẻ ấn chỉ, giấy tờ liên quan tại sao không thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hay báo cho khách hàng. Thậm chí có thể yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc? + Qua kiểm kê chúng tôi mới phát hiện và đang chuẩn bị làm những việc này thì cô K. đến thú nhận. |
PHƯƠNG NAM