Bỏ công chứng ba loại hợp đồng nhà ở: Cho dân quyền quyết định

LÝ THỊ NHƯ HÒA, Trưởng Văn phòng Công chứng Lý Thị Như Hòa:

Là một bước cải cách

Càng ngày thì trình độ hiểu biết về pháp luật của người dân càng được nâng cao. Khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch về nhà ở, các bên đều tìm hiểu kỹ lưỡng tình trạng pháp lý của căn nhà, chủ thể giao dịch… để từ đó có những cân nhắc, quyết định cần thiết sao cho quyền lợi của mình được đảm bảo tuyệt đối. Do các loại hợp đồng như thế chấp nhà ở, mua bán nhà ở, đổi nhà ở, tặng cho nhà ở giữa cá nhân với cá nhân có phần phức tạp nên xin tạm không bàn. Riêng ba loại hợp đồng thuê nhà từ sáu tháng trở lên; cho mượn, cho ở nhờ; ủy quyền quản lý nhà ở, nếu không bắt buộc công chứng thì người dân sẽ được thực hiện quyền lựa chọn có nên đi công chứng hay không. Nếu muốn có con dấu đỏ, có chữ ký của công chứng viên để tăng giá trị pháp lý cho hợp đồng thì người dân đi công chứng. Ngược lại, nếu thấy giao dịch đơn giản, có thể tin cậy nhau thì người dân khỏi đi công chứng. Cùng với việc cho dân quyền chọn lựa thì Nhà nước sẽ không còn phải can thiệp nhiều vào các quan hệ dân sự.

Bỏ công chứng ba loại hợp đồng nhà ở: Cho dân quyền quyết định ảnh 1

Người dân đến giao dịch tại Phòng Công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Tôi đánh giá đề xuất của Bộ Xây dựng là một bước cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, có một lưu ý sau đây cần được xem xét, xử lý thấu đáo. Do quy định công chứng các hợp đồng về nhà ở (trong đó có ba loại hợp đồng trên) được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai nên nếu bỏ bớt thì cần phải sửa đổi đồng bộ các luật. Mà việc sửa luật thì không hề đơn giản. Có lẽ Bộ Xây dựng nên tính toán thêm, nếu thấy việc bỏ ngay có nhiều cái được thì sẽ tiến hành kiến nghị để sửa ngay các luật. Trường hợp thấy cái được chưa đặc sắc lắm (vì người dân không ký nhiều ba loại hợp đồng này, phí công chứng cũng không cao…), Bộ có thể tiếp tục rà soát các nội dung cần chỉnh sửa khác để sửa được nhiều nội dung của các luật hơn, giảm thiểu việc gây xáo trộn.

Ông HOÀNG XUÂN HOAN, Trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM:

Tôn trọng quyền lựa chọn của người dân

Nếu không còn được giao nhiệm vụ công chứng ba loại hợp đồng trên thì lượng hồ sơ ở phòng chúng tôi có thể sẽ giảm. Nhưng theo tôi các cơ quan công chứng nói riêng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói chung phải tôn trọng quyền lựa chọn của người dân và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Một thẩm phán TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM:

Bỏ thủ tục công chứng cũng không sao

Theo Luật Công chứng, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh. Với ba loại hợp đồng nêu trên, nếu bỏ thủ tục công chứng thì có thể các tòa sẽ hơi gặp khó khăn trong xét xử nếu một trong các bên không thừa nhận nội dung hợp đồng. Bấy giờ, có thể tòa phải mất công xác minh lại những vấn đề liên quan đến hợp đồng. Tuy nhiên, phải khẳng định khó khăn này không lớn lắm và công việc thụ lý, xét xử của tòa vẫn diễn ra bình thường, không có vướng mắc gì.

Một thẩm phán TAND TP.HCM:

Nên loại trừ hợp đồng cho thuê nhà trên sáu tháng

Trong số ba loại hợp đồng trên, tranh chấp thường rơi vào hợp đồng cho thuê nhà ở có thời hạn từ sáu tháng trở lên. Hai loại hợp đồng còn lại ít khi các tòa thụ lý, giải quyết. Đối với hợp đồng cho thuê nhà ở từ sáu tháng trở lên, có nhiều rủi ro pháp lý cho người cho thuê lẫn người thuê và nội dung tranh chấp cũng tương đối phức tạp. Để đảm bảo quyền lợi của các bên, theo tôi không nên bỏ việc công chứng đối với loại hợp đồng này.

Phí công chứng ba loại hợp đồng

- Đối với hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê tài sản: Phí công chứng tính trên tổng số tiền thuê. Nếu giá trị hợp đồng từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, mức thu là 0,1% giá trị hợp đồng…

- Đối với hợp đồng ủy quyền, hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở (thuộc các việc công chứng hợp đồng, giao dịch khác): Phí công chứng là 40.000 đồng/trường hợp.

(Theo Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng)

HỒNG TÚ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm