Các biện pháp để biến tiềm năng thành thế mạnh về biển

(PLO)- Các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng Việt Nam hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành cường quốc về biển, tuy nhiên những điều kiện này vẫn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác, phát huy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-6, tại tỉnh Phú Yên, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Tham luận tại diễn đàn, ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đều thống nhất với nhận định Việt Nam hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành cường quốc về biển, tuy nhiên những điều kiện này vẫn ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác, phát huy.

Tiềm năng chưa được phát huy

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho hay Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của biển đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Từ 10 năm trước, Trung ương khóa X đã ban hành “Chiến lược biển Việt Nam”. Đặc biệt là Hội nghị 8 Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 36 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thời gian qua, dù kinh tế biển đã có khởi sắc, hạ tầng được đầu tư, đời sống bà con được nâng lên, nhiều vùng, địa phương ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước nhưng “quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa xứng với tiềm năng”.

Cụ thể, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ biển, nguồn nhân lực cho kinh tế biển còn yếu. Môi trường biển đang biến đổi theo chiều hướng xấu, đa dạng sinh học và nguồn lực thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững…

“Đòi hỏi lúc này là cần làm rõ hơn về thực tiễn phát triển kinh tế biển Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đồng thời đề xuất các giải pháp, cách làm mới, thực chất, hiệu quả nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra” - trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cũng cho rằng Việt Nam có đầy đủ lợi thế, điều kiện để trở thành cường quốc về biển. “Đó là vị trí địa lý thuận lợi, bờ biển dài với nhiều tài nguyên thiên nhiên. Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển. Đặc biệt có tầm nhìn chiến lược và quyết tâm, hành động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị” - ông Ngân nhấn mạnh.

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất với nhận định Việt Nam hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành cường quốc về biển. Ảnh: QUỐC VŨ

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất với nhận định Việt Nam hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành cường quốc về biển. Ảnh: QUỐC VŨ

Tuy nhiên, theo ông Ngân, việc tổ chức thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được trung ương đề ra vẫn chậm và còn một số bất cập. Trong đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển đang trong quá trình hoàn thiện, chưa xây dựng được hệ thống hạch toán, thống kê kinh tế biển và đại dương…

Mặt khác, Việt Nam cũng thiếu các ngành khoa học mũi nhọn về biển, thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế biển. Trong khi đó, hai năm đại dịch đã ảnh hưởng nặng đến ngành du lịch, dịch vụ biển, nuôi trồng và khai thác hải sản…

Năm biện pháp biến tiềm năng thành thế mạnh về biển

Kết luận tại diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh năm nội dung chính cần tập trung triển khai ngay để khai thác những lợi thế về biển của đất nước đang ở dạng tiềm năng thành sức mạnh kinh tế.

Đầu tiên là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Tiếp đó là tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo. Từng bước thực hiện đầy đủ và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết 36 của trung ương và Nghị quyết 26 của Chính phủ.

“Đây chính là cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” - trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói.

Trong đó, trọng tâm là xây dựng, triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Sớm phê duyệt ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý biển của chính quyền địa phương, cũng như tạo hành lang pháp lý để kiểm soát hiệu quả việc khai thác tài nguyên trong phát triển kinh tế biển.

Cùng với đó là bố trí ngân sách, nguồn lực để tăng cường năng lực quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo tại các địa phương có biển. Tăng cường điều tra cơ bản để xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

“Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối phát triển kinh tế biển giữa các địa phương. Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ở vùng biển và hải đảo. Đầu tư khu neo đậu tránh trú bão và các dự án kết cấu hạ tầng ven biển, đảo của các địa phương có biển. Nâng cao hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát; đảm bảo sự kết nối chuỗi liên kết du lịch giữa các địa phương có biển để khai thác tối đa mọi tiềm năng và lợi thế vùng biển, ven biển, đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia trên biển…” - ông Trần Tuấn Anh nêu.

Đi cùng với đầu tư, phát triển cần chú trọng bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái biển, đảo. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo, nguồn thải từ hoạt động giao thông vận tải, dịch vụ du lịch, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.•

Cần đầu tư các đội tàu mạnh để đủ sức cạnh tranh

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho hay xu hướng của thế giới là phát triển vận tải container vì tiết kiệm thời gian và chi phí. Ở Việt Nam, đến nay mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình container hóa để hòa nhập với thế giới.

“Chúng ta chưa phát triển được đội tàu container chuyên nghiệp có thể cạnh tranh với nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được hưởng lợi ít vì hầu hết hàng xuất nhập khẩu đều do các hãng tàu quốc tế đảm nhận” - ông nói. Theo đó, ông Sơn đề nghị Việt Nam cần phải đầu tư các đội tàu mạnh để đủ sức cạnh tranh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm