Cần dự báo đúng, ứng phó mau lẹ trước thiên tai dị thường

(PLO)- Phải triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, TP và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19.000 người dự.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Ảnh: TTXVN

Cần dự báo đúng, không đợi lũ ào về mới xả

Là địa phương nằm ở hạ nguồn của sông Ba, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, phản ánh số lượng trạm quan trắc trên lưu vực sông còn ít. “Do đó, cần tăng số lượng trạm quan trắc ở thượng lưu sông Ba để tăng khả năng dự báo” - ông Thế nói và cho rằng cần có công nghệ tính toán dự báo lũ đến các trạm quan trắc cũng như các hồ chứa từ lượng mưa đo được hoặc từ lượng mưa dự báo và điều hành xả lũ ngay, không chờ đến khi lũ đã đổ ào ào về xuôi mới điều hành xả lũ.

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), cho biết bộ này đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát lại 11 công trình vận hành liên hồ chứa lớn. Qua ý kiến tổng hợp của các địa phương, chủ hồ chứa cho thấy quy trình vận hành liên hồ chứa đang tồn tại một số bất cập.

“Đó là công tác phối hợp giữa các địa phương chưa cao. Một số địa phương còn lúng túng trong các chỉ đạo, vận hành hồ chứa. Việc chia sẻ thông tin dữ liệu vận hành hồ chứa giữa các địa phương còn chưa hiệu quả” - ông Thái nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cũng cho hay năng lực hồ chứa ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên còn hạn chế, chỉ có thể cắt, giảm lũ cho các địa phương ở khu vực hạ du chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết của các hồ mà không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề lũ lụt ở phía hạ du trên toàn bộ lưu vực sông.

“Trên các lưu vực hiện nay còn có hàng ngàn công trình hồ chứa thủy lợi, các đơn vị đơn mục tiêu, tuy nhiên công trình này chủ yếu là tràn toàn tuyến, rất ít công trình có cửa van điều tiết nên khả năng cắt lũ hạn chế so với tổng lượng lũ trên lưu vực” - ông Thái cho biết.

Theo ông Thái, tới đây Bộ TN&MT sẽ tiếp tục rà soát, trình Thủ tướng, phó thủ tướng xem xét về nội dung sửa đổi một số điều về quy trình vận hành liên hồ chứa trên một số lưu vực sông, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, bất cập.

“Chất lượng

công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động,

từ sớm, từ xa!”

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

Thông báo không kịp thời, bị động trong ứng phó

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ ra một số tồn tại lớn cần quan tâm, khắc phục trong giai đoạn tới. Đó là công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa.

“Trong đợt mưa lũ trái quy luật ngay trong thời gian mùa khô ở các tỉnh Nam Trung bộ vừa qua, nếu chúng ta có thể dự báo, cảnh báo sớm hơn, chính xác hơn, chắc chắn thiệt hại về tài sản của nhân dân đã được giảm nhẹ hơn” - Phó Thủ tướng nói.

Cạnh đó, công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn có những tồn tại, bất cập. Sự phối hợp, thông tin giữa các địa phương thượng nguồn với hạ nguồn, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã, giữa chủ hồ, đơn vị quản lý vận hành hồ với chính quyền địa phương chưa tốt.

Việc chấp hành quy định vận hành liên hồ chứa chưa nghiêm; việc thông báo cho chính quyền địa phương, người dân khi xả lũ ở một số hồ chứa chưa kịp thời, đúng quy định hoặc hình thức thông báo chưa phù hợp, kịp thời dẫn đến bị động trong ứng phó.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ nhiều trường hợp ngay trong mưa lũ, người dân vẫn đi đánh cá, vớt củi hay đi qua ngầm, tràn, rất dễ xảy ra tai nạn. Hầu hết trường hợp thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn cuối tháng 11, đầu tháng 12-2021 đều là do tai nạn, bị lũ cuốn trôi.•

Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định

Định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước hết, phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. “Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa, nhất là trong tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, thiên tai dị thường!” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, vừa qua Chính phủ đã ban hành kế hoạch ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển. “Yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch này” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai. Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó Thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai trên cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm