Ngày 18-6, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an cho biết, mới đây Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ nghi phạm N.T.T.P. (19 tuổi, trú tại tập thể Học viện Ngân hàng, Quang Trung, Đống Đa) về hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Loại ma túy mà P. bán được gọi là nấm thức thần. Đây là một loại cây chứa chất ma túy lần đầu được cơ quan công an phát hiện trên địa bàn Hà Nội, dù từng xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2018. Theo điều tra, P. lên mạng Internet học công thức, pha chế, cấy phối để tự trồng nấm ma túy trong nhà, sau đó rao bán trên mạng xã hội.
Nấm thức thần được sinh viên P. nghiên cứu trồng. Ảnh: CACC
Công an xác định các mẫu nấm tang vật có chứa Psilocine và Psilotcin gây ảo giác mạnh cho người dùng. Đây là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội, theo nghị định 73/2018.
BS-CK2 Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM, cho biết nấm thức thần có tên khoa học là Psilocybe pelliculosa. Loại nấm này mọc ở nhiều nơi trên thế giới như Bắc và Trung Mỹ, bán đảo Scandinavia và một vài vùng tại châu Á. Hiện, có đến 200 loại nấm khác nhau thuộc họ này có chứa chất psilocybe với hàm lượng khác nhau nên mức độ gây độc cũng khác nhau.
"Điều này rất nguy hiểm vì có loại ăn cả một tai nấm cũng chưa nguy hiểm tính mạng nhưng với loại nấm khác thì chỉ cần một lượng nhỏ đã có thể gây tử vong"- BS Hiển lưu ý.
Cũng theo BS Hiển, khi sử dụng nấm có chứa hai chất trên sẽ có hiện tượng bị ảo giác và có thể có thêm ảo thanh. Lạm dụng chất này có thể dẫn đến hoang tưởng, hoảng sợ và lo lắng thường xuyên, dễ dẫn đến tự sát, tình trạng biểu hiện như bệnh nhân tâm thần phân liệt.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng bày tỏ, nấm thức thần thuộc nhóm chất hướng thần, là chất kích thích, gây ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác. Nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện, do đó gây nguy hiểm cho sức khỏe.