Đến 22 giờ 20 ngày 3-12, trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa đóng cửa thu phí sau khi xả trạm lần thứ 18. Trước đó, trưa 3-12, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có mặt tại Cai Lậy dù lo ngại nhưng vẫn tỏ ra tin tưởng tình hình ở trạm BOT sẽ sớm hạ nhiệt. Thế nhưng tới chiều tối cùng ngày, diễn biến trong khu vực đã không như ông mong muốn.
Giới tài xế thêm nhiều “chiêu” mới
Liên tiếp những ngày qua, giới tài xế phản đối trạm BOT Cai Lậy bằng nhiều cách, phổ biến là dùng tiền 500.000 đồng, dùng tiền mệnh giá thấp, đưa 25.200 đồng rồi buộc nhân viên thối đúng 100 đồng… Phía trạm Cai Lậy sau đó đã có những biện pháp đối phó tương ứng. Cụ thể, chuẩn bị sẵn tiền mệnh giá 100 đồng để trả lại, tài xế mới đưa vài ngàn tiền lẻ thì đã được nhân viên cho đi. Thậm chí có trường hợp tài xế đưa thẻ ATM yêu cầu nhân viên quẹt thẻ để mua vé cũng được cho qua ngay.
Các tài xế lại nghĩ ra những chiêu thức mới. Lúc 11 giờ 35 trưa 3-12, cả bốn làn thu phí hướng miền Tây về TP.HCM cùng lúc bị bốn ô tô các loại án ngữ ngay cabin. Lần này tài xế các xe nhất quyết không đồng ý mua vé qua trạm và đồng loạt yêu cầu phải dời trạm. Chỉ sau 10 phút, dòng xe hướng từ miền Tây về TP.HCM kẹt kéo dài trên 1,5 km khiến BOT Cai Lậy phải xả trạm. Khi đã được xả trạm, cả bốn chiếc xe vẫn cố thủ thêm ít phút mới chịu di chuyển để giải phóng lượng xe ùn ứ phía sau.
Tài xế Võ Minh Hảo dừng xe tại làn đường thu phí rồi xuống xe đổ nước suối lên xe và lau xe tại đây... Ảnh: GT
Khi đường thoáng, trạm Cai Lậy bắt đầu thu phí trở lại. Tới 13 giờ ngày 3-12, tài xế Võ Minh Hảo (ngụ TP.HCM) khi đi ngang trạm thu phí BOT Cai Lậy bị chặn lại thu phí. Anh Hảo dừng xe trước trạm, xuống xe đổ nước suối lên xe và… lấy giẻ ra chậm rãi lau toàn bộ xe. Sau hơn 15 phút, nhân viên BOT Cai Lậy đành bất lực xả trạm.
Một số tài xế lại phản ứng bằng cách yêu cầu được xem các văn bản, quy định liên quan tới việc lập trạm thu phí Cai Lậy. Dù nhân viên liên tục giải thích, trưng văn bản nhưng họ không lắng nghe.
Nhiều tài xế còn không chấp nhận vé bị chỉnh sửa (mức phí lần này đã được điều chỉnh giảm so với lần thu phí trước nhưng chủ đầu tư không in lại vé mà chỉnh sửa ngay trên vé cũ - PV). Một tài xế xe container sau khi đưa tiền, nhận được tấm vé ghi 100.000 đồng bị tẩy xóa thành 70.000 đồng đã nhất quyết không đi và đòi phải có văn bản giải thích việc chỉnh sửa giá tiền ghi trên vé để về trình với cơ quan. Sau khoảng 20 phút, quốc lộ 1 ùn tắc cục bộ nên nhân viên phải xả trạm. Lúc này tài xế xe container cho rằng đã xả trạm thì phải đưa lại tiền phí vừa đóng. Nhân viên thu phí buộc phải trả lại cho tài xế này 70.000 đồng tiền mua vé.
Cuộc sống bị đảo lộn
Từ ngày trạm Cai Lậy hoạt động trở lại, cuộc sống của các hộ dân quanh trạm, của giới tài xế và hành khách thường đi và về miền Tây bị đảo lộn.
Trong ngày 3-12, khu vực nhà dân xung quanh trạm bị cúp điện hoàn toàn. Khu vực dành cho báo chí tác nghiệp cũng bị cúp điện, cắt WiFi. Nhiều PV phải thuê xe Honda di chuyển đến địa điểm cách trạm 2-3 km để tìm chỗ sạc pin máy tính cũng như để tìm cách chuyển tin, bài. “Mấy ngày qua, cảnh hỗn loạn quanh trạm khiến chúng tôi không an tâm sinh sống. Từ sáng sớm tới nửa đêm, hễ có thu phí là đường ùn tắc, còi xe bấm đinh tai nhức óc, rồi nghe nói có giang hồ đe dọa tài xế, chúng tôi lo lắng lắm” - bà Nguyễn Thị N., nhà gần trạm thu phí, than thở.
Tôi biết việc dừng xe phản đối sẽ gây ùn tắc nhưng ấm ức chịu không nổi. Tôi có đi đường tránh hồi nào đâu mà thu phí? Điều này quá phi lý. Tài xế chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư dỡ bỏ ngay cái trạm bất hợp lý này, dời vào đường tránh. Tài xế LÊ VĂN HÙM, chạy tuyến An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang) |
Anh Nguyễn Toàn, tài xế xe đông lạnh ở quận 7 (TP.HCM), tỏ ra mệt mỏi khi trò chuyện với PV. Anh cho biết hằng ngày đều phải xuống Cà Mau chở hàng đông lạnh về TP.HCM. Từ khi trạm Cai Lậy thu phí trở lại, mỗi ngày anh phải mất cả tiếng đồng hồ mới qua được trạm, chiều về cũng vậy.
“Hàng lấy trễ, về trễ nên chủ la quá trời. Do ngại va chạm nên tôi buộc đóng phí đầy đủ dù rất bất mãn. Tôi cũng nói thật cách phản đối của anh em tài xế khiến tôi mệt mỏi do gây ùn tắc kéo dài. Tôi yêu cầu trong khi chưa có hướng giải quyết dứt điểm trạm này thì Nhà nước phải có cách đảm bảo giao thông trên quốc lộ 1 được thông suốt. Cách đó có thể là tạm ngưng thu phí để bàn bạc, tìm được giải pháp phù hợp; dời trạm vào đường tránh như yêu cầu của người dân; Nhà nước mua lại trạm để có mức phí phù hợp…” - anh Toàn nói.
Tới tối 3-12, sau khoảng 20 lần đóng-xả trạm, trạm BOT Cai Lậy chưa thu phí trở lại. Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến trên plo.vn.
Cẩu xe ở BOT Cai Lậy, chém nhau ở Cần Thơ Công an quận Cái Răng, TP Cần Thơ đang điều tra vụ chém người xảy ra trong khu dân cư Hồng Loan giữa người trong nhóm Bạn hữu đường xa và chủ công ty cứu hộ vận tải. Theo thông tin ban đầu, khoảng 10 giờ ngày 3-12, anh Vương Quốc Tân, ngụ Cần Thơ, cùng một số người trong nhóm Bạn hữu đường xa tìm đến trụ sở Công ty Cứu hộ vận tải Tú Anh (đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) để giải quyết mâu thuẫn. Khi nhóm này vừa đến trước cửa Công ty Tú Anh thì hai bên xảy ra xô xát. Ông Lê Tấn Tú, chủ Công ty Tú Anh, đã dùng rựa chém vào tay anh Tân. Anh Tân được đưa vào BV Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu trong tình trạng bị chém vào tay trái, vết thương ngang mặt sau giữa cẳng tay, đứt gân cơ duỗi cổ tay trụ, chảy máu nhiều (ảnh).
Cũng theo thông tin ban đầu, trưa 30-11, xe của tài xế Phương không chịu qua trạm BOT Cai Lậy nên CSGT nhờ xe cứu hộ của Công ty Tú Anh kéo vào lề. Do ông Phương tiếp tục phản đối nên công an yêu cầu kéo luôn xe về huyện. Trên xe cứu hộ có ghi số điện thoại của ông Tú. Những người trong nhóm Bạn hữu đường xa nghĩ rằng ông Tú “đàn áp” ông Phương nên đăng lên mạng kêu gọi tẩy chay. Ông Tú sau đó bị hàng ngàn số điện thoại gọi đe dọa nên không nghe điện thoại nữa. Vợ ông Tú lên mạng thì phát hiện số điện thoại của ông đang bị rao mua bán dâm, bán xe, môi giới... Do đó ông Tú đã hẹn người trong nhóm Bạn hữu đường xa đến Cần Thơ nói chuyện và xảy ra sự việc nêu trên. Ông Tú cũng thừa nhận chính mình là người dùng rựa làm bị thương anh Tân. Hiện ông Tú bị Công an TP Cần Thơ tạm giữ hình sự. Tài xế tố bị đe dọa Ngày 3-12, ông Trịnh Hồng Phương (ngụ Bình Dương) có đơn trình báo Công an huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Theo đơn của ông Phương, trong ngày 2-12, ông nhận được cuộc gọi điện thoại từ số máy 0898811xxx với nội dung: “Đề nghị xé biên bản tạm giữ giấy phép lái xe và sẽ nhận được giấy phép lái xe do Công an huyện Cai Lậy giữ, đồng thời muốn nhận được số tiền bao nhiêu thì nói”.
Đến sáng 3-12, ông Phương lần nữa nhận được cuộc gọi từ số điện thoại nói trên với nội dung yêu cầu xuống Cần Thơ thương lượng. Người này cho rằng ông và nhiều tài xế khác có hành vi đe dọa doanh nghiệp Tú Anh (xe cẩu do BOT Cai Lậy thuê hôm 30-11). “Tôi thấy người gọi điện thoại không đúng với ngành công an, làm ảnh hưởng uy tín đối với ngành. Họ đang dùng tiền để mua chuộc lẽ phải và chụp mũ tôi là người không hành xử đúng pháp luật. Tôi kính mong cơ quan pháp luật bảo vệ tôi và can thiệp kịp thời” - ông Phương tường trình trong đơn. Ông Phương là một trong hai tài xế bị công an tạm giữ khi phản đối BOT Cai Lậy (ảnh). Ông cho biết chỉ bị công an xử phạt hành chính. |