Sáng 23-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM đơn vị số 5, gồm: Bà Trần Kim Yến - Bí thư Quận ủy quận 1, ông Nguyễn Văn Chương - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM và ông Nguyễn Đức Sáu - Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia TP.HCM, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Tân Bình.
Rất đau lòng khi xét kỷ luật cán bộ
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Tân Bình quan tâm nhiều đến việc chống tham nhũng tiêu cực, lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài.
Cử tri Nguyễn Thanh Vân (phường 8, quận Tân Bình) cho rằng các vụ tham nhũng được phát hiện thời gian gần đây đều gia tăng cả về mức độ lẫn số lượng. Dẫn chứng một số vụ việc cụ thể như chạy điểm thi ở Hòa Bình, hay vụ trục lợi qua mua bán thiết bị y tế trong mùa dịch xảy ra ở Hà Nội, ông Vân cho rằng các vụ việc trên xảy ra do xử lý chưa nghiêm, chưa mang tính răn đe mạnh mẽ.
Chia sẻ về ý kiến này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các vụ tham nhũng vẫn còn phát sinh nhưng chúng ta đã xử lý ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn và đem lại kết quả tích cực hơn. “Đã có hàng chục cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo, cách chức cho đến hình sự, phải ra tòa. Đây là điều đáng buồn nhưng phải làm và có người trong Bộ Chính trị đã bị kỷ luật, bộ trưởng cũng bị kỷ luật, tướng lĩnh cũng bị kỷ luật rồi” - ông Nhân nói. Ông Nhân cho biết bản thân ông trong Bộ Chính trị, mỗi lần ngồi xét kỷ luật đều đau lòng lắm nhưng khi cán bộ đã vi phạm có đầy đủ chứng cứ thì phải xử lý.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM khẳng định đã tham nhũng thì không thể thoát được. “Chưa bao giờ việc chống tham nhũng quyết liệt như bây giờ. Tôi tin rằng với đà này thì những người có nguy cơ đi vào con đường tham nhũng sẽ được cảnh tỉnh ngày càng nhiều hơn” - ông Nhân nói và khẳng định sắp tới công tác thanh tra, kiểm tra sẽ làm quyết liệt hơn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM
Đừng để vi phạm pháp luật mà không xử lý
Cử tri Chu Minh Tùng bày tỏ quan tâm đến công tác quy hoạch nhưng chưa đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân, chưa theo kịp với tình hình tăng dân số. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận ý kiến này.
Liên quan đến giá điện, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ông không phải là chuyên gia ngành điện nhưng dưới góc độ của người tiêu dùng thấy rằng một giá dễ hiểu. Tuy nhiên, có ý kiến muốn có giá phân biệt: Người dùng ít trả ít, người dùng nhiều trả nhiều nên mới có giá điện bậc thang. “Tôi chia sẻ với cử tri là đọc hóa đơn không hiểu được, khó quá. Tôi xin ghi nhận để báo cáo lại” - ông Nhân nói và cho rằng ngành điện làm cơ chế nhiều giá chính là để khuyến khích người dùng tiết kiệm, càng dùng nhiều thì trả tiền nhiều. Ngành điện cần có thông tin tốt hơn và có cách thông báo cho bà con dễ hiểu hơn.
Về các vụ việc cụ thể, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan tham gia giải quyết kiến nghị của cử tri, không để tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra mà không xử lý. “Ý kiến của cử tri là nhắc nhở chúng tôi chừng nào còn làm đại biểu QH là còn phải tiếp tục lắng nghe ý kiến của dân, phấn đấu làm sao cho người dân vui hơn, hạnh phúc hơn và hài lòng hơn” - ông Nhân nói.
Tháng 7, Thanh tra Chính phủ sẽ đối thoại dân Thủ Thiêm Sáng 23-6, các đại biểu QH đơn vị số 7 gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP.HCM, đã tiếp xúc với cử tri quận 2. Tại đây, nhiều ý kiến của cử tri đề cập đến một số vấn đề liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trao đổi với cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết các ý kiến của người dân về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được đại biểu QH tiếp nhận, chuyển tải đến các cơ quan từ TP cho đến trung ương, trong các kỳ họp QH. Ông Khuê cũng hy vọng bà con công tâm đánh giá vì trong suốt hai năm qua, chính quyền TP.HCM đã vào cuộc, xem xét toàn diện những bức xúc của người dân về vấn đề Thủ Thiêm ở rất nhiều khía cạnh, nội dung. TP.HCM cũng đã lập tổ công tác để giải quyết vấn đề về Thủ Thiêm, trong đó UBND quận 2 là cơ quan thường trực, là cầu nối, bám sát đời sống thực tiễn của người dân. “Các cơ quan không có sự tránh né, vẫn thường xuyên lắng nghe cử tri và đang cố gắng giải quyết sớm” - ông Khuê nói. Ông Khuê cũng mong các cử tri bình tĩnh để cùng nhau đối thoại, tạo được sự đồng thuận. “Giữa Đảng, Nhà nước và người dân không phải là hai con đường tách bạch, không bao giờ gặp nhau. Không phải vậy! Hiện nay, các cơ quan đã và đang tập trung giải quyết rốt ráo, không kéo dài vì sự khổ than của bà con đã quá sức chịu đựng rồi” - ông Phan Nguyễn Như Khuê cảm thấu cùng người dân. Theo ông Khuê, trong tháng 7, Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện kết luận của phó thủ tướng Chính phủ về đối thoại với cử tri quận 2 để làm rõ vấn đề trong ranh hay ngoài ranh đang phát sinh. |
Xử nghiêm cả cá nhân lẫn tập thể Về câu hỏi địa chỉ chịu trách nhiệm trong các sai phạm mà cử tri quận Tân Bình đặt ra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định có người chịu trách nhiệm, đó là người trong cuộc vi phạm và cấp ủy. Dẫn chứng từ vụ sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nhân cho biết Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Ban cán sự đảng UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016 cũng bị kỷ luật. Về cá nhân, chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016 cũng bị kỷ luật cảnh cáo, một số phó chủ tịch khác chịu kỷ luật khiển trách. “Đồng chí bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015 đã bị cách chức bí thư nhiệm kỳ này” - ông Nhân nói và cho rằng xử lý như thế là nghiêm, có địa chỉ cụ thể. |