Đó là thực trạng được PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh nêu ra trong bối cảnh Bộ Y tế đang triển khai Quyết định số 2429 về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học nhằm tiến tới chuẩn hóa chất lượng, liên thông kết quả xét nghiệm giữa các đơn vị theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, số liệu từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho thấy mỗi năm các bệnh viện thực hiện tới 475 triệu xét nghiệm, con số này tăng khoảng 10% mỗi năm, tăng cao hơn tỉ lệ gia tăng người bệnh. Ngoài ra, việc phải xét nghiệm lại nhiều lần là điều mà các bác sĩ không hề muốn nhưng buộc phải thực hiện bởi những chỉ số trong cơ thể bệnh nhân thường xuyên thay đổi theo diễn biến, tình trạng như: công thức máu, men gan phải làm lại, thậm chí là xét nghiệm về nhóm máu vẫn cần phải làm lại trong trường hợp người bệnh phải truyền máu.
Liên thông xét nghiệm sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm được rất nhiều tiền. Ảnh: TS
“Chỉ cần giảm được 1% số lần xét nghiệm, hằng năm xét riêng số lần xét nghiệm của bệnh nhân không phải thực hiện tại các bệnh viện đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá khoảng 50.000 đồng thì tổng kinh phí giảm thiểu được cho bệnh nhân khoảng 237,5 tỉ đồng” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng.
Trong suốt thời gian qua, Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã chỉ đạo tăng cường triển khai, nỗ lực trong việc thực thi, chỉ đạo các tuyến cơ sở phải đưa ra kết quả bộ tiêu chí công bố mức chất lượng của các phòng xét nghiệm, tuy nhiên vẫn chưa cho kết quả rõ ràng, ảnh hưởng chung tiến độ.
Nhằm nhanh chóng giải quyết, khắc phục những tồn đọng, khúc mắc trong công tác triển khai, ngày 18-10, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức buổi hội nghị chuyên đề “Quản lý chất lượng và thực hiện lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm”.