Chỉ nên điều chỉnh lễ quốc tang

Trên số báo này, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng có một số góp ý tương tự.

“Nghị định của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định 105/2012, đang được sửa đổi - PV) có những điểm quy định quá tỉ mỉ, quan trọng hóa vấn đề nên dẫn đến việc đối tượng điều chỉnh chỗ thừa, chỗ thiếu, chỗ không cần thiết” - ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, chia sẻ.

Đối tượng điều chỉnh quá rộng

Liên quan đến quy định về tang lễ, Bộ Chính trị đã từng có Chỉ thị 27/1998/CT-TW về việc cưới, việc tang. Theo tôi, lý do của việc ban hành chỉ thị này là làm sao cho việc cưới, việc tang diễn ra trang trọng, đàng hoàng, tiết kiệm bởi lẽ trên thực tế có những cán bộ không gương mẫu trong việc thực hiện việc tang, việc cưới, tổ chức rình rang, linh đình gây phản cảm với người dân.

Trong nhiều năm qua, phải thừa nhận việc tang đã giảm bớt được rất nhiều hủ tục như mất vệ sinh, ăn uống linh đình hay những quy định quá ngặt nghèo không phù hợp với cuộc sống. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại vẫn có một số cán bộ có chức, có quyền tổ chức những đám cưới, đám tang không được bình thường làm cho người dân hiểu lầm về cán bộ của Nhà nước.

Chỉ nên điều chỉnh lễ quốc tang ảnh 1

Với thực tế đó, tôi nghĩ Nghị định 105/2012 ra đời nhằm điều chỉnh hành vi tổ chức tang lễ cần chuẩn mực đối với cán bộ, công chức, viên chức, tránh linh đình, lãng phí, gây mất niềm tin trong dân.Tuy nhiên, nghị định lại điều chỉnh một đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức là lớn quá. Có lẽ phải xem xét có nên quy định kỹ như thế không. Bởi lẽ mỗi cán bộ, công chức, viên chức còn có những ràng buộc khác. Ví dụ gia đình người ta theo đạo hay không theo đạo lại có những quy định riêng; hay cán bộ, công nhân viên chức ở làng quê, địa phương vẫn có những quy định mang tính truyền thống. Có làng quan tài đưa đầu ra trước, có nơi lại chân ra trước. Áp dụng theo quy định nào thì cũng không thể khẳng định ai sai, ai đúng nhưng chắc chắn không ảnh hưởng gì đến văn hóa, kinh tế, ý nghĩa… Thế nên quy định cụ thể, tỉ mỉ như thế theo tôi không cần thiết.

Quy định quốc tang: Hợp lý nhưng chưa đủ

Với quy định về quốc tang, nghị định đã ghi rõ bốn chức danh được tổ chức quốc tang là hợp tình, hợp lý nhưng vẫn chưa đủ. Để hiểu rõ điều này, chúng ta cần tìm về cái gốc vì sao phải quốc tang.

Theo đó, gốc của nó là người ấy hoặc những người ấy mất đi làm đau thương đến mọi người hay đa phần công dân trên đất nước này thì chúng ta phải làm quốc tang.

Như vậy, đối với những thiên tai, thảm họa… mà số lượng người chết quá nhiều thì sao, nó cũng sẽ gây mất mát, đau thương đối với cả đất nước. Vậy cũng cần phải quốc tang chứ. Hay những cán bộ, chiến sĩ hoặc một người nào đó có một hành động anh hùng, dũng cảm trong một hoàn cảnh cụ thể, cứu được hàng ngàn người ra khỏi nguy hiểm mà chết đi cũng cần nghiên cứu bổ sung.

Vì vậy, theo ý kiến của tôi, khoản 2 Điều 5 Nghị định 105/2012 nên được sửa: “Bộ Chính trị quyết định quốc tang trong những trường hợp khác” thì sẽ rộng mở, bao quát hơn. Nhưng quốc tang nhiều quá cũng không nên bởi nó sẽ gây đau xót cho cả đất nước, nặng nề cho cả dân tộc.

Ngoài ra, nghị định đề cập đến quá nhiều tầng nấc của tang lễ như tang lễ cấp nhà nước, tang lễ cấp cao, tang lễ công chức, viên chức… là không nên. Liệu có cần phải quy định đến mức độ như thế này không hay chỉ cần quy định riêng trong cơ quan nhà nước, trong tổ chức Đảng khi một cán bộ của mình hoặc nguyên cán bộ của mình qua đời thì phối hợp với gia đình để tổ chức tang lễ.

Tôi nghĩ nên tập trung vào quốc tang, bởi vì những vị lãnh tụ đã khuất có công lao to lớn với đất nước thì khi mất cũng để lại những mất mát đau thương cho đồng bào, đồng chí, đồng thời cũng là tấm gương để chiến sĩ, đồng bào noi theo. Điều này cần phải điều chỉnh.

Từng là một cán bộ, tôi tin rằng đa phần các cán bộ chắc chỉ ngày đêm suy nghĩ làm thế nào để cống hiến cho đất nước chứ không ai lại nhăm nhăm đến khi chết mình được tổ chức ở cấp tang lễ nào.

“Hồn tử sĩ” dành cho ai?

Nghị định 105/2012 về tổ chức lễ tang cho cán bộ, công chức, viên chức phân ra làm bốn loại: Lễ quốc tang, lễ tang cấp nhà nước, lễ tang cấp cao và lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Trừ các chức danh được tổ chức lễ quốc tang, lễ tang cấp nhà nước, lễ tang cấp cao cán bộ thì công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Kèm theo đó là những điều kiện về những nghi thức rườm rà và vô lý mà dự thảo nghị định lần này không đề cập sửa đổi.

Thử tưởng tượng theo quy định này, một ngày khi chị giáo viên A. đang dạy học ở Trường Mầm non X. mất đi thì trường sẽ cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đứng tên để thông báo về lễ tang trên các báo, đài địa phương nơi chị A. công tác. Đồng thời, Trường Mầm non X. phải cùng với gia đình chuẩn bị lời điếu. Chưa hết, nghị định còn điều chỉnh rất chi ly kiểu như khi tổ chức lễ truy điệu thì gia đình đứng bên trái, còn lãnh đạo cơ quan và địa phương đứng bên phải phòng lễ tang, trưởng ban tổ chức lễ tang đọc lời điếu và tuyên bố phút mặc niệm. Trong khi tiến hành lễ viếng, lễ truy điệu, lễ hạ huyệt thì quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”. Xe tang do cơ quan chủ quản hoặc địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác chuẩn bị…

Theo tinh thần của nghị định, việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cơ quan, đơn vị đối vối những cống hiến của các bộ, công chức, viên chức và loại bỏ những tập quán lạc hậu, phô trương, lãng phí. Cả nước có hơn 2,8 triệu công chức, viên chức. Xem ra với những quy định như trên thì không chừng sự phô trương, lãng phí còn nhiều hơn so với việc để cho gia đình tự tổ chức. Giả sử gia đình không đủ điều kiện hoặc không muốn thuê dàn quân nhạc để cử bài “Hồn tử sĩ” trong lúc hạ huyệt thì làm sao? Sự cống hiến của viên chức, công chức chỉ là những lao động làm công ăn lương do dân chi trả, là công bộc của dân, đâu đến mức phải được “ngàn năm Tổ quốc ghi ơn” như tinh thần của bài nhạc này vốn dành cho những vị anh hùng có công lao to lớn với đất nước? Nghị định không hề có chế tài (mà nếu có cũng không thể thực hiện) thì tính khả thi không cao. Quy định chỉ mang tính khuyến nghị thì có nên đưa vào nghị định rồi dẫn đến tình trạng lờn luật? Thiết nghĩ trừ lễ quốc tang, lễ tang cấp nhà nước thì cán bộ, công chức, viên chức khi mất đi cũng nên để họ bình đẳng với tất cả công dân khác. Hãy để gia đình người đã mất quyết định những nghi thức này, miễn không ảnh hưởng đến ai.

THANH MẬN

Dù tang lễ của ai thì cũng phải trang trọng và có tình, có nghĩa với người đã khuất, tránh phô trương, lãng phí. Những vị vua anh minh ngày xưa, đặc biệt Bác Hồ là tấm gương sáng về việc này. Hành vi giả dối, khoa trương cũng phải bị phê phán để cho xã hội tốt đẹp hơn, đó là điều thiếu mà tôi chưa thấy quy định tại nghị định này.

Ông NGUYỄN VIẾT CHỨC

VIẾT THỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm