Sáng 9-1, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo, giảm cho bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh từ chín tháng tù xuống còn sáu tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.
Chống đối công an
Theo hồ sơ, ngày 2-7-2011, tổ tuần tra Công an quận 12 (TP.HCM) đang làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Văn Khương thì phát hiện bà Trương Thị Hạnh chạy xe ngược chiều, phía sau chở con là Phạm Thị Mỹ Linh nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Bà Hạnh không xuất trình được các giấy tờ liên quan. Hai CSGT là anh Nguyễn Đức Ánh và Vũ Quang Long lập biên bản xử lý thì bà Hạnh giật lấy cuốn biên bản, giấy chứng nhận đăng ký xe và giằng lấy xe đẩy đi... Hai anh CSGT không đồng ý, một anh chặn đầu xe, một anh kéo đuôi xe. Thấy vậy, Linh xông đến xô anh Ánh ra đường. Quay lại, thấy anh Long đang nắm giữ xe của bà Hạnh nên Linh xô anh ra và liên tiếp tát vào mặt anh. Bà Hạnh kéo Linh lại. Linh hét lớn, mệt mỏi rồi ngất xỉu.
Ngày 23-8-2011, TAND quận 12 (TP.HCM) xử sơ thẩm, nhận định khi phạm tội bị cáo chưa thành niên, phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, gia đình nghèo nên phạt bị cáo chín tháng tù về tội chống người thi hành công vụ. Tòa vừa tuyên án xong, mẹ Linh đã ngất xỉu, Linh cũng khóc rồi xỉu theo...
Bị cáo Linh ngất xỉu khi nghe tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt. Ảnh: PL
Không được hưởng án treo
Trong suốt phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Linh và mẹ sụt sùi khóc. Khi được trình bày, Linh xin hưởng án treo để được đi học, đi làm nuôi mẹ và em trai. Bị cáo cho rằng lúc đó hơi bị ức chế trong người chứ không cố ý tát CSGT. Lúc đầu bị cáo không nhận thức được hành vi sai trái của mình nhưng sau khi tòa giải thích thì đã nhận ra.
Mẹ bị cáo cũng xin tòa cho con hưởng án treo bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn và bà cũng đã dắt con đến xin lỗi hai chú công an...
Luật sư bào chữa bảo bị cáo Linh bị suy nhược thần kinh nên ảnh hưởng đến khả năng nhận thức. Sau khi xử sơ thẩm, thời gian đầu bị cáo đi ra ngoài phải đeo khẩu trang bịt mặt vì ra đường ai cũng biết. Đó cũng là một sự trừng phạt khắt khe đối với người chưa thành niên như bị cáo.
Tranh luận, công tố viên cho rằng mức án chín tháng tù mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên là phù hợp nên đề nghị HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm.
Sau khi xem xét, HĐXX nhận định bị cáo phải ý thức được hành động của mình chứ không thể nói là không cố ý tát CSGT. Hoàn cảnh khó khăn là do mình tạo ra, tự chịu chứ không thể lấy đó là lý do để mong thông cảm. Nếu bị cáo nhận thức đúng đắn thì sẽ không thể xảy ra tình trạng giằng co ở ngoài đường. Mặt khác, bị cáo có nuôi mẹ hay không thì đó cũng không phải là lý do để cho hưởng án treo. Cuối cùng, HĐXX cho rằng hành vi dùng tay tát CSGT phạm tội chống người thi hành công vụ. Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo như vậy là có căn cứ. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, bị cáo ăn năn hối cải, cha mẹ ly hôn, gia đình khó khăn, bị cáo vừa đi làm vừa đi học nên tòa chấp nhận một phần kháng cáo, phạt bị cáo sáu tháng tù.
Sau khi nghe tuyên án, bị cáo Linh cùng mẹ tiếp tục xin tòa cho Linh được hưởng án treo. Được giải thích án đã tuyên, phiên tòa kết thúc, người mẹ đã ngã quỵ xuống phòng xử...
NGÂN NGA