Ngày 16-8, Công an TP Hà Nội cho biết đã bước đầu làm rõ hành vi buôn lậu vàng qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài của nhóm nghi phạm là nhân viên hàng không vào ngày 27-7 vừa qua.
Theo đó, trong số ba đối tượng bị bắt có Nguyễn Thị Ngọc Anh (34 tuổi, nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airline) và Phạm Duy Nhuận (36 tuổi, thợ sửa chữa máy bay thuộc Công ty TNHH MTV VAECO).
Kết quả điều tra xác định, Ngọc Anh và chồng là Nguyễn Ngọc Sang (30 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) là chủ mưu trong vụ án. Biết việc đem vàng từ Việt Nam sang Hàn Quốc bán sẽ có lợi nhuận cao (chênh lệch khi đổi từ mệnh giá tiền Hàn Quốc sang tiền Việt Nam), Ngọc Anh bàn với Sang mua vàng từ Việt Nam để mang sang nước bạn bán.
Ngày 26-7, Ngọc Anh bỏ 2,8 tỉ đồng mua 80 cây vàng 9999 rồi thuê người chế tác thành bốn cục vàng nặng hơn 3 kg. Sang mua nam châm gói vào cục vàng để gắn vào ghế máy bay.
Biết Nhuận có thể ra vào sân đỗ mà không bị kiểm soát, Ngọc Anh thuê Nhuận mang vàng lên máy bay cất giấu.
Tối hôm đó, vợ chồng nữ tiếp viên hàng không làm thủ tục xuất cảnh rồi nhắn số ghế ngồi cho Nhuận. Nhân viên sửa chữa máy bay sau đó thả bọc vàng qua rào sắt vào khu vực sân đỗ rồi đi vòng qua khu vực kiểm soát an ninh, lấy vàng để mang lên máy bay.
Số vàng mang lên máy bay bị công an phát hiện
Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, Công an Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng đã bắt quả tang nhóm buôn lậu, thu giữ tang vật liên quan.
Tại cơ quan công an, Ngọc Anh khai nếu mang trót lọt hơn 3kg vàng sang Hàn Quốc sẽ kiếm lời được 20 triệu đồng.
Ngay sau vụ buôn lậu vàng trên bị phát hiện, không lâu sau đó, vào ngày 3-8, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài qua soi chiếu đã phát hiện hành khách Kitada Takayoshi (33 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) mang theo một số sản phẩm kim loại. Qua kiểm tra thực tế, hành khách này đã mang theo bảy tượng kim loại màu bạc với tổng trọng lượng khoảng 5 kg nghi là vàng.
Số hàng hóa trên ông Takayoshi không khai báo hải quan và không xuất trình được hóa đơn mua hàng hợp lệ. Ông Takayoshi cũng khai nhận số tượng nêu trên được làm từ vàng trị giá khoảng 3,2 tỉ đồng, ông này mang về Nhật Bản để trang trí và sưu tầm.
Trước việc hàng loạt vụ việc như trên, phải chăng đang tồn tại một đường dây chuyên buôn lậu vàng tại Hà Nội?
Trả lời câu hỏi này của Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết cả hai vụ việc đều được Hải quan Hà Nội phát hiện thông qua hệ thống giám sát và kiểm soát hàng hóa. Đối với bảy pho tượng nghi là vàng, hiện Công an TP Hà Nội đang tiếp nhận để khởi tố vụ án buôn lậu; còn việc có dấu hiệu liên kết giữa các đường dây hay không, Công an TP sẽ tiếp tục điều tra, xác minh.