COVID-19 phá hủy cơ thể con người thế nào?

Tờ The New York Times ngày 11-3 đăng tải thông tin từ các chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu về quá trình lây truyền của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19, cũng như có những vấn đề mà họ vẫn còn chưa thể biết được.

Virus SARS-CoV-2 khiến con người nhiễm bệnh ra sao?

Virus lây lan qua các giọt bắn nhỏ trong không khí do ho hoặc hắt hơi và xâm nhập vào cơ thể những người xung quanh đó qua mũi, miệng hoặc mắt. Virus trong những giọt này di chuyển rất nhanh đến phía sau khoang mũi và đến màng nhầy của cổ họng, bám vào một thụ thể (phân tử protein nằm trên màng tế bào) và bắt đầu sinh sôi.

Các phân tử virus có các gai protein trên bề mặt của chúng, và các gai này bám vào màng tế bào. Khi đó, vật liệu di truyền (genetic material – lưu giữ và truyền thông tin di truyền) xâm nhập vào tế bào của người.

Tiến sĩ William Schaffner. Ảnh: Website Trường Đại học Vanderbilt 

“Vật liệu di truyền đó bắt đầu cướp đi sự trao đổi chất của tế bào. Và thực tế, cơ thể con người sẽ giúp vật liệu di truyền nhân lên và tạo ra virus” - Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Vanderbilt bang Tennessee (Mỹ), cho biết.

Virus gây ra các vấn đề đường hô hấp như thế nào?

Báo The New York Times dẫn giải thích của Tiến sĩ Schaffner rằng khi các bản sao của virus nhân lên, chúng tấn công và lây nhiễm các tế bào lân cận. Các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện ở phía sau cổ họng, gây đau họng và ho khan.

“Virus sẽ từ từ xâm lấn xuống các ống phế quản. Khi đến phổi, màng nhầy của phổi bị viêm, sẽ phá hủy phế nang hoặc túi phổi. Phổi bắt buộc phải làm việc nhiều hơn để thực hiện chức năng như cung cấp ôxy cho máu lưu thông khắp cơ thể và loại bỏ carbon dioxide trong máu” - ông Schaffner nói.

“Nếu phổi bị sưng, việc ôxy đi qua màng nhầy sẽ khó khăn hơn nhiều” - theo Tiến sĩ Amy Compton-Phillips, Giám đốc lâm sàng của Hệ thống Y tế Providence - nơi xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Mỹ hồi tháng 1.

Các bác sĩ kiểm tra film chụp phổi một bệnh nhân tại một bệnh viện ở Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Phổi sưng tấy và luồng khí ôxy suy yếu có thể khiến những khu vực trong phổi chứa đầy chất lỏng, mủ và tế bào chết. Kết quả là tình trạng viêm phổi sẽ xảy ra.

“Một số người bị khó thở và phải cần sự hỗ trợ của máy trợ thở. Trong trường hợp xấu nhất (được biết là Hội chứng viêm đường hô hấp cấp), phổi chứa quá nhiều chất lỏng mà không có sự hỗ trợ hô hấp, dẫn đến việc bệnh nhân tử vong” - Tiến sĩ Compton-Phillips nói.

Đường đi của virus trong phổi như thế nào?

Tiến sĩ Shu-Yuan Xiao, giảng viên về bệnh lý tại Đại học Y khoa Chicago, đã kiểm tra các báo cáo bệnh lý trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ Trung Quốc. Ông nói rằng virus gây ra COVID-19 sẽ bắt đầu ở các khu vực ngoại vi ở cả hai bên phổi và có thể mất một thời gian để đến đường hô hấp trên, khí quản và các đường dẫn khí trung tâm khác.

“Phác đồ xét nghiệm ban đầu ở nhiều bệnh viện Trung Quốc không phải lúc nào cũng phát hiện nhiễm trùng ở phổi ngoại vi, vì vậy một số người có triệu chứng được gửi về nhà mà không cần điều trị” - ông Xiao nói - “Đáng lẽ họ nên đến các bệnh viện khác để kiểm tra thêm, nhưng lại ở nhà và lây nhiễm cho gia đình. Đó là một trong những lý do dịch bệnh lan rộng như vậy”.

Nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Chữ thập đỏ ở Vũ Hán hôm 1-3. Ảnh: AFP

Một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (New York) phát hiện rằng hơn một nửa trong số 121 bệnh nhân ở Trung Quốc đã chụp CT bình thường sớm khi có bệnh.

Nghiên cứu này cộng với những quan sát của Tiến sĩ Xiao nói rằng khi bệnh tiến triển, kết quả chụp CT cho thấy các chất mờ thủy tinh trên mặt phổi. Đây là lớp mờ dễ thấy trên phổi trong nhiều loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus. Những lớp mờ đó có thể phân tán và dày lên khi bệnh tiến triển nặng hơn.

Liệu phổi là nơi duy nhất bị ảnh hưởng bởi virus?

“Không hẳn vậy” - Tiến sĩ Compton-Phillips nói - “Nhiễm trùng có thể lây lan qua màng nhầy, từ mũi xuống trực tràng”.

“Trong khi virus không có ở phổi, nó cũng có thể lây nhiễm các tế bào trong hệ thống tiêu hóa. Đây có thể là lý do tại sao một số bệnh nhân có các triệu chứng như tiêu chảy hoặc khó tiêu. Virus cũng có thể xâm nhập vào máu” -Tiến sĩ Schaffner giải thích thêm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nói rằng axit ribonucleic (RNA) từ virus gây ra COVID-19 có trong các mẫu máu và phân, nhưng họ vẫn không chắc liệu loại virus này có thể tồn tại trong máu hay phân hay không, theo The New York Times.

“Tủy xương và các cơ quan như gan cũng có thể bị viêm” - Tiến sĩ George Diaz, Trưởng nhóm về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Vùng Providence ở bang Washington, nói. “Cũng có thể có xuất hiện viêm trong các mạch máu nhỏ, như đã xảy ra với dịch SARS”.

Còn Tiến sĩ Schaffner nói rằng virus có thể sẽ tấn công tim, thận, gan và phá hoại trực tiếp các cơ quan đó. 

“Khi hệ thống miễn dịch cơ thể chuyển sang chế độ để chống lại nhiễm trùng, tình trạng viêm có thể khiến các cơ quan đó gặp trục trặc” - ông Schaffner nói - “Do đó, một số bệnh nhân có thể chịu đựng tổn thương không chỉ do virus gây ra mà còn bởi hệ thống miễn dịch của chính họ phải "gồng lên” để chống lại sự nhiễm trùng”.

Các chuyên gia chưa ghi nhận liệu virus có thể ảnh hưởng đến não hay không. Nhưng các nhà khoa học nghiên cứu về SARS nói rằng có một số bằng chứng cho thấy virus SARS có thể xâm nhập vào não ở một số bệnh nhân. Do sự giống nhau giữa SARS và COVID-19 nên khả năng virus gây ra COVID-19 cũng có thể lây nhiễm tại một số tế bào thần kinh.

Tại sao nhiều người bị bệnh nhưng số khác thì lại không?

Các chuyên gia nói rằng các biểu hiện phụ thuộc vào sức khỏe của một người. Người già hoặc những người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như bệnh tiểu đường hoặc một bệnh mãn tính khác thì có nhiều khả năng xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.

Tiến sĩ Xiao dẫn chứng trường hợp một ca nhiễm bệnh là một cụ bà 84 tuổi, mắc bệnh tiểu đường và đã tử vong vì COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Tiến sĩ Shu-Yuan Xiao từ Đại học Y khoa Chicago. Ảnh: Website Trường Đại học Y khoa Chicago

Ông Xiao cho biết một nam bệnh nhân 73 tuổi có tiền sử tăng huyết áp và điều trị trong 20 năm qua, sau khi trải qua ca phẫu thuật phổi và được xuất viện. Tuy nhiên, 9 ngày sau, ông này phải nhập viện vì sốt, ho và xác nhận bị nhiễm COVID-19. Theo ông Xiao, người đàn ông này gần như chắc chắn đã bị nhiễm bệnh trong lần đầu tiên ở bệnh viện, nhưng phải mất nhiều ngày triệu chứng bệnh mới bộc phát.

Các nhà khoa học còn điều gì chưa biết về COVID-19?

“Còn rất nhiều” - Tiến sĩ Diaz nói - “Mặc dù căn bệnh này giống với SARS ở nhiều khía cạnh và có các yếu tố chung với bệnh cúm và viêm phổi nhưng những biểu hiện trên bệnh nhân mà bác sĩ vẫn chưa hiểu hết”.

Theo ông Diaz, một số bệnh nhân có thể duy trì ổn định trong hơn một tuần và sau đó đột nhiên bị viêm phổi; một số người dường như phục hồi nhưng sau đó lại xuất hiện các triệu chứng một lần nữa.

Còn Tiến sĩ Xiao cho hay một số bệnh nhân ở Trung Quốc đã hồi phục nhưng lại bị bệnh. “Rõ ràng là do họ đã bị ảnh hưởng và mô phổi đã bị tấn công khiến vi khuẩn trong cơ thể tấn công. Một số bệnh nhân cuối cùng đã chết vì nhiễm vi khuẩn, không phải do virus. Nhưng điều đó đã không xuất hiện nhiều trong các ca tử vong” - ông Xiao nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm