Chất lỏng chỉ là nước thông thường
ThS Công nêu ý kiến: “Do giá trị đồ chơi phát nổ chỉ là 1.000 đồng/gói nên các loại hóa chất có trong đồ chơi chỉ thuộc dạng thông thường. “Phải xét nghiệm mới kết luận chính xác hóa chất có trong loại đồ chơi này. Tuy nhiên, theo suy đoán của tôi, chất lỏng chỉ là nước thông thường và bột trắng có thể là vôi hoặc khí đá. Khi vỗ mạnh vào đồ chơi, gói dung dịch lỏng (nước) bị bể, gặp vôi hoặc khí đá sẽ sinh ra chất khí làm đồ chơi phồng lên và nổ. Vôi và khí đá gặp nước sẽ có mùi khó ngửi. Bên cạnh đó, sau khi tác động với nước, vôi và khí đá tạo thành xút ăn da, gây nên hiện tượng ngứa ngáy. Cả hai còn tạo mùi khó ngửi khi gặp nước nên dễ gây ra tình trạng đau đầu, khó thở”.
Loại “bom thối” Trung Quốc này có mùi hóa chất rất khó chịu. Ảnh: HTD
Cũng theo ThS Công, khi bị nước vôi hoặc khí đá dính vào da thì mọi người không được rửa nước để tránh tình trạng lan rộng. “Cần nhanh chóng lau khô rồi mới rửa bằng nước sạch nhiều lần hoặc rửa bằng nước trung tính” - ThS Công lưu ý.
Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra
Ông Phan Hoàng Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết hiện tại lực lượng QLTT tập trung quản lý các mặt hàng phục vụ người dân trong dịp tết. Trong số đó, mặt hàng đồ chơi vẫn được QLTT kiểm tra thường xuyên. QLTT chỉ kiểm tra về mặt lưu thông hàng hóa, chẳng hạn kiểm tra về chứng từ, hóa đơn. Riêng về chất lượng sản phẩm thì lực lượng này phải phối hợp với cơ quan chuyên môn để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm… Ngày 18-1, ngay sau khi có thông tin về “bom thối”, một tên gọi khác của loại đồ chơi nguy hiểm nói trên, lãnh đạo QLTT TP đã chỉ đạo các lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, từ vụ việc này và một số vụ không hay trước đó liên quan đến đồ chơi Trung Quốc, các cơ quan chức năng cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong công tác kiểm tra các hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là hàng hóa dành cho trẻ em.
Kinh nghiệm từ Nhật cho thấy đất nước này đã có luật bảo vệ sức khỏe trẻ em, theo đó tất cả hàng hóa liên quan đến trẻ em đều phải được kiểm tra và giám sát rất chặt chẽ.Đó cũng chính là lý do mà Nhật không hề có đồ chơi Trung Quốc. Chính điều này đã khiến Trung Quốc rất nhiều lần gây áp lực với Nhật. Khi đó người Nhật chỉ trả lời đơn giản là “chúng tôi đang thử”. Không chỉ riêng ở Nhật mà ngay cả ở Hàn Quốc cũng không hề có đồ chơi Trung Quốc…
“Còn ở Việt Nam thì sao? Đồ chơi Trung Quốc tràn ngập từ thành thị đến nông thôn. Thế nhưng điều đáng tiếc là toàn bộ hệ thống quản lý chất lượng hàng hóa của chúng ta, đặc biệt là chính quyền địa phương hình như không có trách nhiệm gì. Không thể nào nói trong việc này các cơ quan chức năng vô can. Cần coi vụ việc đồ chơi Trung Quốc phát nổ lần này như một “ngòi nổ” rất nghiêm trọng, làm thức tỉnh cộng đồng, phụ huynh học sinh, nhà trường... Lý do tôi nói như vậy vì việc để con cái chơi đồ chơi độc hại, phụ huynh cũng phải có trách nhiệm. Rồi tại sao đồ chơi đó lại mang được vào nhà trường? Nhược điểm lớn hiện nay là chúng ta chỉ chăm chăm kiểm soát hàng hóa ở biên giới. Nếu lọt được qua biên giới thì dường như không ai quản lý cả!” - chuyên gia Lê Đăng Doanh cảnh báo.
TÚ UYÊN - TRẦN NGỌC - MAI PHƯƠNG
Phát hiện thêm 98 đồ chơi nhập lậu Ngày 18-1, khi kiểm tra hai điểm kinh doanh trên đường Trần Bình (quận 6), Đội Quản lý thị trường (QLTT) 6B - Chi cục QLTT TP.HCM đã phát hiện gần 100 sản phẩm đồ chơi trẻ em gồm các bịch phao tiêm chỉ bóp nhẹ tay là phát ra tiếng nổ… Phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc. Do chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nên Đội QLTT 6B đã tạm giữ toàn bộ số hàng nói trên. TÚ UYÊN “Bom thối” mất dạng ở TP.HCM Khảo sát của Pháp Luật TP.HCM ngày 18-1 cho thấy đồ chơi phát nổ của Trung Quốc mất hút tại thị trường TP.HCM. Ghé vào cửa hàng đồ chơi trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2), PV hỏi mua đồ chơi phát nổ. Người bán cho biết loại đồ chơi này còn gọi là… “bom thối” vì khi nổ phát ra mùi khó ngửi. “Đồ chơi này thuộc hàng cấm, không ai dám bán” - người bán nói. PV tiếp tục ghé vào cửa hàng đồ chơi trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) hỏi mua đồ chơi phát nổ. Sau khi dò xét, người bán nói: “Sáng nay báo chí đăng ì xèo học sinh bị tai nạn do đồ chơi phát nổ gây ra nên không ai dám bán nữa”. Tại một tiệm bán đồ chơi phía sau chợ Bình Tây (quận 6), khi PV hỏi mua “bom thối”, nhân viên bán hàng hỏi ngược lại “Bộ chị chưa đọc báo hay sao?”. “Hàng đó của Trung Quốc, độc hại dữ lắm nên không ai bán nữa” - anh giải thích. Ở một số tiệm bán đồ chơi tại khu vực đường Ngô Nhân Tịnh (quận 6), các chủ tiệm cũng nói “không có bom thối”. Nhiều người cho biết trước có bán nhưng giờ đã hết hàng. |