"Vấn đáp" nhà báo để tích lũy thêm kiến thức
Nhiều người cho rằng, "sự cố" của thí sinh này chỉ là một ví dụ điển hình của việc những người đẹp bây giờ đang ngày càng chỉ chú trọng đến hình thức mà không mấy quan tâm việc trang bị tri thức cho mình, thậm chí thiếu chỉn chu ngay cả khi đã bước lên sân khấu một cuộc thi lớn.
Tuy nhiên, chia sẻ dưới đây của một nữ nhà báo có nhiều năm theo dõi các cuộc thi người đẹp lại cho thấy một góc nhìn khác về câu chuyện này:
Đảo mắt một lượt, chúng tôi thấy các thí sinh đều cầm cả xấp tài liệu, không ngừng học, không ngừng ghi chép. Tôi tiến đến một bạn thí sinh đã làm quen từ vòng sơ khảo: “Thi ứng xử mà cũng có tài liệu học trước hả em?”. Cô thí sinh nhìn tôi cười: “Ban tổ chức chỉ giới hạn đề tài, tập cho tụi em nói trước đám đông chứ đâu cho câu hỏi đâu mà học. Cái này là em tìm thêm tư liệu, hỏi bạn bè anh chị lớn hơn có nhiều kinh nghiệm để giúp em khoanh vùng thêm kiến thức. Nhưng học hoài mà không vô”.
Trong một cuộc trò chuyện khác, người đẹp với tuổi đời khá trẻ - Khánh Ngọc kể rằng: vì là cuộc thi lớn lại cần nhiều kiến thức chuyên sâu về thương mại, kiến thức ngành nghề nên cứ hễ có thời gian riêng là cô lại đi ra vườn cà phê là, lẽo đẽo theo người nông dân tại đây học cách trồng, học cách hái, học cách nếm để phân loại cà phê….đến nỗi bị say cà phê, cả ngày cứ lâng lâng bứt rứt, chân tay bủn rủn, đến mức có đợt cứ nghĩ đến cà phê là cô đã sợ xanh cả mặt.
![]() |
Các thí sinh chuẩn bị cho vòng thi ứng xử cuộc thi Nữ hoàng cà phê 2013. Ảnh: FB Nữ hoàng cà phê |
Hầu hết các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam đều có một vòng gọi là hướng dẫn, tập luyện khả năng ứng xử trước đám đông, thậm chí kĩ càng hơn thì khoanh vùng đề tài cho các thí sinh. Đây là vòng chuẩn bị cần thiết nhưng trong một chuẩn mực nhất định.
Các thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp đều còn khá trẻ, không phải thí sinh nào cũng có kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết xã hội sâu và có được cách ứng xử tốt. Trong khi đó, đêm chung kết lại được thường được truyền hình trực tiếp, việc tập luyện trước để hạn chế những tình huống khó xử bất ngờ, khoanh vùng kiến thức để người đẹp khi xuất hiện trước công chúng có được một vẻ đẹp trí tuệ mẫn tiệp, âu cũng là điều nên làm.
Tuy nhiên, dù có sự chuẩn bị, khi đối mặt với câu hỏi, tùy vào tố chất thông minh và sự nhanh nhạy sắc sảo của mỗi thí sinh, sự tự tin của mỗi người mà khả năng phát huy kiến thức, nói năng lưu loát trong câu trả lời để chọn ra người xuất sắc nhất là khác nhau. Việc có người đẹp trả lời rất xuất sắc, cũng có người đẹp thể hiện sự nông cạn của mình, cũng là một biểu hiện khách quan ở một cuộc thi công khai, không có chuyện "mớm" trước cho thí sinh những câu trả lời.
Ban tổ chức chuẩn bị vòng hướng dẫn trước vòng thi ứng xử cốt để trấn an và giúp các thí sinh phần nào tự tin hơn, giảm bớt áp lực tinh thần. Có không ít thí sinh bị căng thẳng, thậm chí đổ bệnh vì thức suốt đêm ôn luyện kiến thức mình tích góp cho trước vòng thi quyết định. Có không ít câu chuyện thí sinh vào đến tận đêm chung kết mà khi tham gia thi ứng xử lại lúng túng "nói không nên lời", thậm chí là "lời không nên nói". Điều ấy, không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của người đẹp, mà còn thể hiện sự thiếu chu đáo, sâu sát của BTC từ quá trình tuyển chọn, sàng lọc, hướng dẫn.
Chính vì vậy, một vòng hướng dẫn cho thí sinh do BTC chuẩn bị trước đêm chung kết âu cũng là điều hợp lý. Vòng hướng dẫn này sẽ trấn an, giúp các thí sinh tự tin hơn, giảm bớt áp lực tinh thần. Hơn nữa, ở vòng này, BTC cũng có thể mời các chuyên gia đến tư vấn, giúp trang bị cho thí sinh có những kiến thức nền tảng cơ bản, tối thiểu, ít nhất là về chủ đề mà cuộc thi hướng đến.
Một sự tỉ mỉ, chu đáo, từ thí sinh đến BTC, nếu có, sẽ tránh được những tình huống dở khóc dở cười, khi cái đẹp được mang ra rộng rãi trước công chúng.
Theo Hà Minh/Infonet