Bộ GTVT đề xuất tăng phí 37 trạm BOT

“Năm 2018, trong số 53 dự án đưa vào vận hành khai thác có đủ điều kiện đánh giá về doanh thu thực tế so với hợp đồng, có 27 dự án có doanh thu thực tế tăng so với phương án tài chính ban đầu, 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu…”. Đó là một nội dung trong dự thảo báo cáo Thủ tướng mới đây, qua đó Bộ GTVT đề xuất tăng phí qua trạm hoặc ngân sách cấp bù để “cứu” các dự án sụt giảm doanh thu.

Bộ GTVT nêu nguy cơ hàng loạt BOT vỡ nợ

Bộ GTVT cho biết: Theo quy định trong hợp đồng được sự đồng ý của Bộ Tài chính và các địa phương (nơi có dự án BOT), dự án BOT có lộ trình tăng phí ba năm/lần và mỗi lần tăng 12%-18% (tùy dự án). Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ GTVT chưa thực hiện việc tăng phí theo lộ trình như quy định trong hợp đồng BOT.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, nguyên nhân dẫn đến sụt giảm doanh thu trên là do lưu lượng phương tiện thấp hơn so với dự báo. Cụ thể, do kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại một số địa phương không đúng như dự báo, làm ảnh hưởng đến lưu lượng xe qua trạm thấp hơn dự báo (như dự án hầm Đèo Cả, dự kiến khu kinh tế Vân Phong sớm đi vào hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động). Một số trạm thu phí có số lượng xe sử dụng vé tháng, vé quý lớn hơn rất nhiều so với dự báo ban đầu (như trạm Hà Nội - Bắc Giang, trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 38, tuyến tránh Phủ Lý…); việc bán vé tháng, vé quý tại các trạm này làm giảm 15%-20% số thu so với phương án tài chính ban đầu dự kiến khoảng 5%.

Đồng thời, do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm.

Ngoài ra, việc sụt giảm doanh thu còn do giảm mức phí. Cụ thể, việc sụt giảm doanh thu do giảm phí (giảm phí các loại xe nhóm 4, nhóm 5 từ mức 200.000 đồng xuống 180.000 đồng tại hầu hết các trạm thu phí và giảm phí quanh trạm trong bán kính 5-10 km) và chưa tăng phí theo đúng lộ trình (tăng 12%-18%/ba năm) trong hợp đồng như nội dung báo cáo trên.

Bộ GTVT cho rằng đối với các dự án có sụt giảm doanh thu, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời có thể kéo theo một số hệ lụy như phá vỡ phương án tài chính của các dự án, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, đặc biệt trong việc kêu gọi đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.

Trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình (đặt tại đầu TP Hòa Bình) mới đưa vào thu phí từ đầu tháng 5 nhưng nhiều lần bị người dân phản ứng vì cho rằng mức phí cao, chưa hợp lý. Ảnh: VIẾT LONG

Đề xuất tăng phí hoặc ngân sách bù

Để cứu các trạm thu phí có nguy cơ vỡ phương án tài chính, Bộ GTVT đề xuất hai phương án thu phí. Phương án 1, tăng phí trong giai đoạn 2019-2021. Theo hợp đồng đã ký, trong giai đoạn 2018-2021 có 49 dự án phải tăng phí theo lộ trình. Bộ GTVT sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ để xem xét tăng phí trong giai đoạn này. Riêng trong năm 2019 sẽ đàm phán tăng phí đối với các dự án có sụt giảm doanh thu lớn để hạn chế các hệ lụy xấu.

Bộ GTVT đánh giá theo phương án này, phương án tài chính các dự án vẫn đảm bảo khả thi, đặc biệt không phải bố trí ngân sách để bù đắp phần thiếu hụt. Ngoài ra, việc tăng phí đường bộ tại các trạm cơ bản không ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải.

Phương án 2, giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện việc tăng theo hợp đồng từ năm 2022. Theo phương án này, 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 sẽ bắt đầu tăng phí từ năm 2022. Theo tính toán, sẽ có khoảng chín dự án bị phá vỡ phương án tài chính và dự kiến Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ các dự án này nhằm đảm bảo phương án tài chính dự án.

Bộ GTVT đánh giá ưu điểm của phương án 2 là hạn chế ảnh hưởng xấu đến tình hình thu phí đang dần ổn định tại các trạm thu phí. Nhưng nhược điểm là Nhà nước phải bố trí ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng trong năm 2022.

Qua phân tích, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án 1. “Vì không phải bố trí ngân sách nhà nước. Việc quyết định phương án có liên quan đến ngân sách, vượt thẩm quyền nên Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo…” - lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Chuyên gia chưa đồng tình

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng việc tăng thu phí như đề xuất của Bộ GTVT có đúng không, bởi hiện nay nhìn chung kinh tế phát triển, lưu lượng xe qua trạm thu phí nhiều hơn trước đây nên nguồn thu chắc chắn tăng. Vì vậy, Bộ GTVT cần yêu cầu tất cả trạm thu phí phải công khai, minh bạch tổng mức đầu tư dự án, lưu lượng xe qua trạm, mức thu… để người dân biết nhằm tạo sự đồng thuận.

“Vì tiền do dân đóng nên họ có quyền được biết doanh nghiệp thu chi ra sao... Lâu nay chủ đầu tư chưa chủ động công khai, minh bạch việc thu phí nên người dân còn băn khoăn…” - đại biểu Phương nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đề nghị không tăng phí đối với những dự án có trạm đặt sai vị trí gây bức xúc người dân thời gian qua và các trạm thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp đường độc đạo. “Theo tôi, các dự án này Bộ GTVT và nhà đầu tư nên trao đổi, bàn bạc để giải quyết dứt điểm vấn đề dư luận xã hội nêu ra trước khi đặt vấn đề tăng mức thu phí” - ông Quyền nhấn mạnh.

Khẳng định các dự án BOT đang có bất cập, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng việc tăng thu phí nếu có thì chỉ nên đặt ra với các dự án đạt theo tiêu chí của Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư, khai thác. Đó là các dự án BOT xây mới hoàn toàn và người dân có sự lựa chọn sử dụng.

Đối với các dự án BOT bị hụt thu, ông Quyền cho rằng cần phân tích kỹ nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện không đạt như dự báo hay biên chế các trạm thu phí quá nhiều, tổ chức không hợp lý...

Giám sát, chấn chỉnh tất cả trạm thu phí

Theo Bộ GTVT, từ năm 2017, Tổng cục Đường bộ đã tiến hành thực hiện việc giám sát công tác thu phí tại các trạm (giám sát 10 ngày liên tục, 24/24 giờ). Đến hết năm 2018 đã giám sát 51/63 trạm thu phí của 47/59 dự án đã vận hành khai thác. Trong năm 2019, Tổng cục Đường bộ có kế hoạch tiếp tục giám sát các trạm còn lại. Qua giám sát, Tổng cục Đường bộ đã kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong công tác thu phí, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư thực hiện khai thác dự án đúng quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.

________________________________

Trước khi đề cập đến tăng phí, Bộ GTVT cần sớm đẩy nhanh việc quyết toán để công khai tổng mức đầu tư các dự án BOT. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện thu phí không dừng, kiểm soát dữ liệu thu phí. Việc này Bộ GTVT cần triển khai rốt ráo trước khi đề cập việc tăng mức phí mới tạo được sự đồng thuận của xã hội…

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀNChủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm