Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo đề án cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch.
Theo đó, Bộ GTVT cho biết hiện nay hạ tầng đường sắt xuống cấp và lạc hậu. Các nhà ga đều xây dựng từ rất lâu, trong đó có 25 nhà ga được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Bên cạnh đó, hệ thống điều hành vận tải vẫn đang được vận hành thủ công khiến công tác điều hành còn chậm và thiếu chính xác... Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hàng năm hạn hẹp, chỉ chiếm 2%-3% nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải.
Đường sắt Việt Nam đang lạc hậu nhưng nguồn vốn đầu tư hạn chế. Ảnh: Facebook
Theo đó, Bộ GTVT đưa ra giải pháp cho thời gian tới là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt. Thực hiện việc rà soát và đánh giá chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt hiện tại để có các kế hoạch bố trí nguồn vốn phù hợp cho từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tại các nhà ga có tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, tập trung ưu tiên phát huy hiệu quả khai thác kinh doanh tại các ga có lưu lượng hành khách lớn trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh dịch vụ tại các nhà ga đầu mối trên tuyến Hà Nội - Lào Cai…
“Đặc biệt, phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ để ngành đường sắt có thể phát triển có chất lượng và hiệu quả cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ lẫn dịch vụ. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt...” - Bộ GTVT cho hay.
Với những giải pháp trên, Bộ GTVT dự báo đến năm 2025, năng lực thông qua trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM tăng lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm (hiện nay 17 đôi tàu/ngày đêm). Cải tạo 11 hầm yếu tuyến đường sắt Bắc-Nam, đóng khoảng 600 lối đi dân sinh tự mở.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga thông qua các dịch vụ kinh doanh ngoài vận tải như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, dịch vụ bán hàng trên tàu.... “Dự kiến đến năm 2025, các dịch vụ này sẽ đem lại khoảng 70 tỉ đồng/năm...” - Bộ GTVT kỳ vọng.
Đến năm 2030, ngành đường sắt cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới được tất cả các nhà ga trọng điểm có kết nối du lịch trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. "Xây dựng kế hoạch và triển khai đóng mới bổ sung 300-400 toa xe chất lượng cao để thay thế các toa xe đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, lạc hậu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hành khách..." - Bộ GTVT nêu mục tiêu.
Theo Bộ GTVT, hiện nay Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang được Nhà nước giao trực tiếp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt với 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố, bao gồm 3.160,947 km đường sắt. Điều đó cho thấy đường sắt Việt Nam có lợi thế và tiềm năng trong việc phát triển du lịch trong cả nước. |