Lệnh này của Bộ Tài chính dù được xã hội mong chờ nhưng lại đưa cơ chế quản lý xăng dầu… về điểm xuất phát: Trở về cơ chế hành chính! Lý do, Nghị định 84/2009 đề ra nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu “theo cơ chế thị trường” nhưng khi giá thế giới giảm liên tục, các doanh nghiệp đầu mối “nín thinh” để hưởng lợi thì nhà nước chẳng có công cụ nào!
Xem lại Nghị định 84, ở điểm c khoản 3 Điều 27 mà Bộ Tài chính “vận dụng” (cho phép cơ quan nhà nước “áp dụng các biện pháp bình ổn giá” khi giá cơ sở biến động trên mười hai phần trăm (> 12%) so với giá bán lẻ hiện hành hoặc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân) thì “lệnh” trên cũng chẳng chính xác. Bởi lý do, khoản này chỉ áp dụng khi tăng giá!
Như vậy thì cơ chế mệnh lệnh lại phải ra tay.
Hơn nữa, như bình luận của báo Tuổi Trẻ, cách sử dụng quỹ bình ổn nửa vời khiến cho 300 đồng trích trước vào quỹ - thực chất là tiền người tiêu dùng đóng góp - lại trở thành lợi nhuận của doanh nghiệp. Mặt khác, một số chuyên gia cảnh báo, “thả” việc định giá cho thị trường khi Petrolimex vẫn chiếm 60%-70% thị phần thì chẳng khác gì giữ cơ chế độc quyền khiến lợi ích chung bị xâm hại.