Gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội, khi nào bị tội?

Thực tiễn cho thấy nhiều người dân khá e ngại khi tham gia bắt giữ người phạm tội quả tang, bị truy nã vì vừa lo sợ bị trả thù, vừa sợ rắc rối pháp lý nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người phạm tội do thiếu quy định cụ thể về trường hợp này. Ranh giới giữa người tử tế hay “hiệp sĩ” đường phố… với tội phạm trong nhiều vụ việc là khá mong manh.

Khắc phục thực tế trên, BLHS 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) đã quy định chi tiết hơn về các trường hợp loại trừ TNHS tại chương IV. Bên cạnh việc giữ lại bốn trường hợp loại trừ TNHS cũ trong BLHS hiện hành, BLHS 2015 bổ sung thêm ba trường hợp loại trừ TNHS mới. Trong đó trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 24. Theo điều luật này, hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết thì người gây thiệt hại phải chịu TNHS.

Như vậy, khi tham gia bắt giữ người phạm tội (người phạm tội quả tang, bị truy nã) mà gây thiệt hại thì chỉ khi nào sử dụng vũ lực vượt quá mức cần thiết mới phải chịu TNHS. Việc bổ sung quy định mới loại trừ TNHS đối với trường hợp gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội như trên sẽ khuyến khích mọi người trong xã hội mạnh dạn làm người tử tế tham gia bắt giữ người phạm tội quả tang hay bị truy nã.

Hai trường hợp loại trừ TNHS mới còn lại theo BLHS 2015 là rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.

Cụ thể, theo Điều 25, hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa không phải là tội phạm. Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại vẫn phải chịu TNHS.

Ngoài ra, theo Điều 26, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó không phải chịu TNHS. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu TNHS. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với trường hợp phạm tội do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 BLHS 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm