Hội sách và văn hóa phố núi

Trong những ngày diễn ra hội sách sẽ có chương trình giao lưu giữa các tác giả được đọc nhiều với độc giả, chương trình trao học bổng cho các trường và những học sinh xuất sắc, chương trình văn nghệ mang nét đặc trưng các dân tộc Tây Nguyên...

Pleiku trước năm 1975 chỉ là một thị xã nhỏ, hầm hập không khí chiến tranh nhưng đi loanh quanh khu trung tâm thị xã hay lang thang trên các con đường dốc lên dốc xuống, có lẽ khách phương xa đến sẽ rất bất ngờ khi gặp khá nhiều sạp báo, nhà sách. Điều ấy chứng tỏ văn hóa đọc đã bắt rễ ở phố núi này từ lâu. Từ khi bước sang thời kỳ đổi mới, Pleiku phát triển chóng mặt. Trong khi nhiều nơi chỉ chú trọng phát triển kinh tế thì Pleiku phát triển song hành cả kinh tế lẫn văn hóa-xã hội, trong đó mảng thể thao-du lịch rất được chính quyền tỉnh quan tâm phát triển bằng hình thức xã hội hóa rất thành công.

Nhân những ngày hội sách ở TP Pleiku - vẫn thường được gọi là “phố núi”, tôi chợt nghĩ chắc nhiều người không nhớ, không biết tự lúc nào TP Pleiku mặc nhiên được mang tên “phố núi” khi mà ở Tây Nguyên hay Tây Bắc cũng có nhiều “TP trên núi”. Hiện nay, mỗi khi nhắc đến “phố núi”, người ta nghĩ ngay đến TP Pleiku. Ví du,̣ đội bóng đá Hoàng Anh Gia Lai vẫn thường được gọi là “đội bóng phố núi”.

Theo tôi, địa danh “phố núi” được nhắc đến từ khi bài thơ Còn chút gì để nhớ của thi sĩ Vũ Hữu Định được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc khoảng năm 1970. Vũ Hữu Định kể anh làm bài thơ này cuối năm 1969 trong một lần anh lên Pleiku thăm nhà thơ Kim Tuấn. Pleiku bấy giờ là một thị xã nhỏ với mấy con đường dốc: Phố núi cao/ Phố núi trời gần/ Phố núi không xa/ nên phố tình thân/ Đi dăm phút đã về chốn cũ/... Phố núi cao/ Phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh/ Trời thấp thật buồn/ Anh khách lạ/ Đi lên đi xuống/ May mà có em/ Đời còn dễ thương... Bài thơ đăng báo, nhạc sĩ Phạm Duy đọc được những lời thơ rất dễ thương, dễ đi vào lòng người nhưng với nhịp thơ khá lạ, ông đã phổ thành ca khúc ngay trong một đêm, như lời ông kể lại với tôi trong một đêm cuối năm 1974 ở Buôn Ma Thuột, khi ông lên du ca ở “phố rừng” này.

Viết về văn hóa phố núi Pleiku mà không nhắc đến cố thi sĩ Kim Tuấn (1938-2003) sẽ là thiếu sót. Thi sĩ gốc Huế, lớn lên ở Sài Gòn, nổi tiếng từ những năm 1960. Kim Tuấn sống và làm việc ở Pleiku từ năm 1960 đến 1975. Anh có nhiều bài thơ được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ thành những ca khúc bất hủ nhưAnh cho em mùa xuân (nhạc Nguyễn Hiền), Khi tôi về (nhạc Phạm Duy)... Đặc biệt, ca khúc Những bước chân âm thầm do nhạc sĩ Y Vân phổ từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn được nhiều thế hệ yêu thích từ hơn nửa thế kỷ qua. Bài thơ được thi sĩ viết năm 1961, khi anh vừa chân ướt chân ráo lên Pleiku rồi gắn bó với TP này hơn 15 năm. Từng bước từng bước thầm/ Hoa võng rừng tuyết trắng/ Rặng thông già lặng câm/...

Năm 1972, gặp Kim Tuấn ở Sài Gòn, anh giải thích câu “Hoa vông rừng tuyết trắng” như sau: Cuối những năm 1950  đầu những năm 1960, thị xã Pleiku rất hoang vắng, lèo tèo mấy dãy phố, đi dăm phút là ra vùng ngoại ô vắng vẻ trồng rất nhiều gòn. Nhiều như rừng. Mùa xuân hoa gòn nở bung, bay tơi tả trắng xóa như tuyết rơi ở xứ lạnh, có những chùm hoa gòn đan vòng như chiếc võng, mới có câu “Hoa võng rừng tuyết trắng”. Nhưng khi in, từ “hoa võng” thành “hoa vông”. Và rồi nhiều ca sĩ cứ thế mà hát “Hoa vông rừng tuyết trắng” mà cũng chẳng ai thắc mắc tại sao có hoa vông với tuyết trắng ở đây!  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm