Hôm nay, siêu bão vào Quảng Bình, Quảng Trị

“Đình hoãn các cuộc họp để tập trung cao cho công tác phòng, chống bão số 10”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong công điện hỏa tốc về việc đối phó với bão số 10, chiều 29-9. Công điện nhấn mạnh: Khi đổ bộ vào đất liền, sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 14-15 và có mưa to đến rất to. Do đó các địa phương, bộ, ngành phải khẩn trương thông báo, tổ chức đưa lao động và tàu, lồng bè đang hoạt động ngoài biển về nơi trú bão an toàn; có phương án sơ tán, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn…

Bão mạnh nhất trong sáu năm qua

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và UBQG TKCN trưa 29-9, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết: Nhiều khả năng bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế cũng bị ảnh hưởng nặng. “Dự kiến bão đổ bộ vào bờ trong ngày 30-9, sớm thì 15-16 giờ, muộn khoảng 22-23 giờ. Đây là cơn bão mạnh nhất trong sáu năm trở lại đây đổ bộ vào nước ta, ngang ngửa cơn bão Xangsane càn quét miền Trung năm 2006. Để đảm bảo an toàn, công tác phòng, chống bão phải hoàn thành trước 10 giờ sáng 30-9” - ông Tăng kiến nghị.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế thực hiện lệnh cấm biển từ 10 giờ sáng 30-9. Phó thủ tướng cũng quyết định thành lập hai đoàn công tác trực tiếp vào chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại khu vực tâm bão đổ bộ.

Hôm nay, siêu bão vào Quảng Bình, Quảng Trị ảnh 1

Nhiều trẻ em Đà Nẵng phải cùng gia đình chằng chống, dằn bao cát lên mái nhà để chống bão số 10. Ảnh: LÊ PHI

Phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo

Lúc 20 giờ ngày 29-9, ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã vào làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh cần di dời ngay toàn bộ người dân ở khu vực nguy hiểm ven biển trước 9 giờ ngày 30-9. Các vùng miền núi Nam Đông, A Lưới phải rà soát các khu dân cư, những khu vực có thể bị nguy hiểm phải di dân ngay.

Cùng ngày, Quân khu 5 đã tổ chức ba đoàn công tác đến kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các tỉnh miền Trung. Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5, trực tiếp đi kiểm tra tại TP Hội An, Đồn Biên phòng Cửa Đại. Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5, đến kiểm tra các địa phương ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng như Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành…

Hôm nay, siêu bão vào Quảng Bình, Quảng Trị ảnh 2

Đường đi của bão số 10. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Lo ngại thủy điện xả lũ

Trong ngày, miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn. Do các hồ thủy điện Sêrêpôk 3, Sêrêpôk 4 cùng xả lũ nên mực nước hạ lưu sông Sêrêpôk (Đắk Lắk) đang lên nhanh. Nước lũ khiến 53 ngôi nhà của bốn xã thuộc huyện Buôn Đôn ngập. Tại Buôn Ma Thuột, mưa to kèm gió mạnh đã làm đổ một số cây cổ thụ, hơn 447 ha hoa màu bị hư hại.

Đáng lo ngại nhất là nhiều hồ chứa thủy lợi đã sắp đầy, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Bình tới Thừa Thiên-Huế. Cá biệt có một số hồ đã đầy và qua tràn như hồ Tiên Lang, Minh Cầm (Quảng Bình), hồ Khe Tân (Quảng Nam), hồ Suối Trầu (Khánh Hòa)... Một số hồ lớn đang phải xả lũ điều tiết như Đăk Uy (Kon Tum), A Yun Hạ, Biển Hồ (Gia Lai)...

Trước đó, ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã đến kiểm tra sự cố ở đập Thủy điện Đakrông 3, ở xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) và chỉ đạo di dời dân ở dưới đập thủy điện này. Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết do ảnh hưởng của mưa lớn sau cơn bão số 8, một phím tràn của thủy điện này đã bị vỡ một bên với chiều cao khoảng 3 m, dài 7 m. Ông Hùng giao UBND xã Tà Long luôn theo dõi mực nước tại thủy điện này để sẵn sàng di dời 191 hộ dân tại ba thôn ở xã Tà Long trong trường hợp mưa lớn.

Khẩn trương di dời dân

Tại Thừa Thiên-Huế, đến cuối ngày 29-9 tất cả hàng quán ven biển Thuận An đều hoàn tất việc thu dọn hàng hóa. Ngư dân cũng đưa tất cả tàu thuyền đến khu neo đậu xã Phú Hải, Phú Thuận (Phú Vang) tránh bão. Riêng các tàu vận tải lớn neo tại cảng Chân Mây phải vào vịnh Đà Nẵng trú ẩn vì khu vực này không an toàn. Có 51 hộ dân ở xóm Ghềnh - Cồn Đâu, xã Hải Dương phải di dời. Toàn bộ học sinh được nghỉ học vào ngày 30-9. Đáng chú ý, tại thị trấn Thuận An (Phú Vang) đã xuất hiện tình trạng đổ xô ra chợ mua thực phẩm như cá, thịt… dự trữ.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Trị đã đưa ra phương án di dời khoảng 20.000 hộ dân trong bão và sau bão, riêng huyện Gio Linh là 2.500 hộ. Tại huyện Vĩnh Linh, nơi dự báo tâm bão đi qua, khoảng 800-1.000 hộ dân có nhà ở chỗ thấp được dời lên chỗ cao. Tại đảo Cồn Cỏ, các tàu thuyền đã neo đậu an toàn, nhiều hộ dân được di chuyển đến nơi an toàn.

Tại Quảng Bình, ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết đã có kế hoạch di dời hơn 1.000 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét. UBND huyện Lệ Thủy đã triển khai lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền người dân dự trữ các nhu yếu phẩm trong vòng 7-10 ngày.

Đến chiều tối 29-9, thời tiết ở Nghệ An rất đẹp nên người dân khá chủ quan. Nhiều gia đình ở ven sông, biển vẫn chưa chằng chống lại nhà cửa. Đáng chú ý, hơn 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu ở trong chung cư cũ Quang Trung (TP Vinh) chưa biết di tản đi đâu để tránh bão. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành, thị phải trực tiếp đi kiểm tra và hướng dẫn nhân dân chặt tỉa cây cối, chằng chống lại nhà cửa để hạn chế hậu quả đến mức thấp nhất khi bão vào.

Trạm kiểm soát Đồn biên phòng Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) đã tạm dừng xuất bến tất cả tàu thuyền (trong đó có tàu du lịch ra tham quan đảo Cù Lao Chàm). Hiện còn hai tàu đánh bắt xa bờ của Hội An đang vào trú ẩn tại đảo Song Tử Tây (Trường Sa). Bộ đội biên phòng Cù Lao Chàm đã hướng dẫn cho bảy tàu vận tải vào nơi trú ẩn an toàn.

Ngày 29-9, TP Đà Nẵng có những cơn gió rất mạnh kèm theo mưa diện rộng. Những con sóng cao 3-5 m hắt nước lên cả mặt đường Nguyễn Tất Thành. Đến đầu giờ chiều, trời đất tối mù như mực. Tại cầu Thuận Phước, không một người nào dám chạy xe máy qua. Nhiều hộ dân đã mua sẵn mì tôm, rau xanh, thực phẩm và nến về dự phòng. Để đề phòng bất trắc, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã sơ tán hơn 50 hộ dân vào doanh trại đơn vị tránh bão. Ngày 30-9, học sinh toàn TP Đà Nẵng được nghỉ học.

NHÓM PV

Mực nước các sông lên nhanh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 4 giờ sáng 30-9, tâm bão số 10 cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Thừa Thiên-Huế khoảng 170 km về phía đông đông nam. Đến 16 giờ, tâm bão trên vùng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Thừa Thiên-Huế. Ngày 1-10, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, từ sáng nay các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 7, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có gió mạnh cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15. Mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế sẽ lên nhanh.

HOÀNG VÂN

Các trường điều chỉnh kế hoạch dạy học

Tối 29-9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã gửi hỏa tốc công điện của Bộ GD&ĐT đến các Sở GD&ĐT và các trường học thuộc các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên về việc bão số 10 có nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.

Bộ đề nghị các sở và trường điều chỉnh kế hoạch dạy học, ngừng các hoạt động ngoại khóa, đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh và cơ sở vật chất thiết bị nhà trường; thành lập các tổ công tác, cử cán bộ xuống các điểm trường, địa điểm xung yếu kiểm tra, đôn đốc triển khai các phương án phòng, chống bão...

Q.DŨNG

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm